Từ tái cơ cấu doanh nghiệp, quản lý thị trường viễn thông, đảm bảo An toàn thông tin cho đến xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, điều quan trọng nhất là cần một sự thay đổi tư duy căn bản, từ cả những nhà làm chính sách cho đến các địa phương, CQNN, doanh nghiệp và xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ TT&TT sáng 31/12, Phó Thủ tướng ghi nhận: "Có thể nói, ngành TT&TT không chỉ quan trọng, mà còn là không thể thiếu. Không chỉ phát triển kinh tế - xã hội mà ngành TT&TT còn giữ vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, phục vụ đối nội, đối ngoại".

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Viễn thông là niềm tự hào của Việt Nam. Ảnh: T.C

Điều đáng nói nhất, theo ông là trong năm 2015, ngành TT&TT đã làm được rất nhiều việc mới, với kết quả rất rõ rệt, mà tiêu biểu nhất chính là đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại các doanh nghiệp lớn. Có thể nói, hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp TT&TT đã được "làm rất căn bản, thấy ngay hiệu quả", thể hiện ở kết quả SXKD khởi sắc của tất cả các doanh nghiệp được sắp xếp lại như VNPT, MobiFone, VTC, VNPost...

Trong đó, Phó Thủ tướng đặc biệt vui mừng với sự khởi sắc của bưu chính, bởi sau khi tái cấu trúc bước đầu, bưu chính đã đi đúng hướng. Không chỉ đơn thuần chuyển phát, đưa thư như trước đây, bưu chính đã kết hợp nhiều phương thức điện tử, thương mại, đầu tư.... hiện đại hóa mô hình kinh doanh, tự đứng được trên đôi chân của mình.  "Đã đến lúc bưu điện văn hóa xã cho thấy hiệu quả chiến lược của mình, nếu như ta làm tốt những gì mà VNPost đã khởi xướng trong năm 2015", Phó Thủ tướng nhận định.

Tuy vậy, tái cơ cấu là một quá trình lâu dài, do đó, nhiệm vụ của Bộ, cũng như của bản thân các doanh nghiệp là vẫn cần tiếp tục cấu trúc, sắp xếp, tổ chức lại trong thời gian tới.

Cần lộ trình cho những vấn đề nóng

Khẳng định viễn thông là niềm tự hào của Việt Nam, song Phó Thủ tướng cũng có những trăn trở. "Thẳng thắn với nhau, cho tới lúc này thì thị trường viễn thông trong nước vẫn do một vài doanh nghiệp Nhà nước lớn kiểm soát. Điều này có nhiều mặt tốt, nhưng cũng có những mặt đòi hỏi chúng ta phải cảnh giác. Khi thị trường được chia sẻ bởi rất ít doanh nghiệp nhà nước thì sẽ đặt ra những vấn đề về chất lượng dịch vụ, chẳng hạn như công bố băng thông như vậy có đúng không?".

Trong bối cảnh đó, ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Bộ TT&TT với tư cách cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp. Ở các nước khác, vai trò của Hiệp hội, Hội bảo vệ người tiêu dùng rất mạnh. Nhưng ở Việt Nam, vai trò này chưa rõ ràng nên trách nhiệm của Bộ lại càng quan trọng.

Nói đến một vấn đề đã gây bức xúc dư luận suốt bao lâu nay là tin nhắn quảng cáo, Phó Thủ tướng thừa nhận, đây là một vấn đề không đơn giản, không thể nói "cắt là cắt ngay được". Giải thích rõ hơn, ông cho rằng tin nhắn quảng cáo có 2 mặt: một mặt là quyền lợi của người tiêu dùng, mặt kia là nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp. "Tùy từng thời điểm mà nó sẽ nghiêng hơn về bên nào đó, nhưng càng ngày, quyền riêng tư của người dùng càng cần được đặt nặng hơn".

Tương tự, chuyện xóa sổ SIM rác trả trước, theo ông, cũng khó có thể đòi hỏi đến một giờ G nào đó sẽ hết sạch. "Phải có lộ trình từng bước, dù hiện tại đã cũng đã siết được hơn nhiều so với trước kia".

Đừng nghĩ ATTT cao siêu!

Bên cạnh viễn thông, Phó Thủ tướng cũng dành nhiều lời tâm huyết với Hội nghị về một chủ đề nóng của ngành năm qua: An toàn an ninh thông tin. Đây là vấn đề theo ông là "rất dễ chỉ đạo nhưng làm thì lại rất khó".

"Nhiều người nghĩ đến CNTT là cái gì đó rất cao siêu. Nói đến ATTT thì lập tức hỏi ta không sản xuất ra thiết bị, phần mềm gốc, lấy gì mà đòi ATTT? Quan điểm đó không sai, nhưng cũng không chính xác".

Phó Thủ tướng nói rõ: Để đảm bảo ATTT thì ngoài kỹ thuật chuyên sâu (vấn đề này đã có các cơ quan chuyên môn lo) thì còn liên quan rất nhiều đến con người, đến thói quen sử dụng. Có đầu tư hệ thống tốt đến mấy, phần mềm mới và đắt đến mấy mà người dùng không tuân thủ những quy tắc cơ bản về sử dụng hệ thống thì cũng không ích gì cả. "Nếu nhận thức này không lan tỏa được từ Bộ xuống các Sở rồi lan tới các nơi khác, thì mọi nỗ lực đầu tư của Chính phủ cho Bộ Quốc phòng, VNCERT... thời gian qua cũng không tác dụng lắm đâu", ông cảnh báo.

Học tư duy của người đi thuê

Đối với ứng dụng CNTT, Chính phủ đã có một bước tiến rất quan trọng là thay đổi môi trường kinh doanh, xây dựng hoàn toàn theo quốc tế. "Ta đã nói nhiều năm nay về Chính phủ điện tử, nhưng gần đây mới thực sự đi theo hướng quốc tế. Nhóm tiêu chí thiết thực nhất là dịch vụ công trực tuyến được cung cấp tới người dùng. Định nghĩa của VN với thế giới về dịch vụ cấp 1 thì giống nhau, nhưng bắt đầu từ cấp 2 trở đi là khác.

Vừa qua, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ 40 cơ sở dữ liệu cấp quốc gia, trong đó có 6 cơ sở dữ liệu cần dặc biệt ưu tiên, làm trước. Tuy nhiên, nếu ta thuê được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công thì họ đương nhiên sẽ phải đầu tư CSDL, Nhà nước không cần làm nữa. Nếu CQNN chỉ làm CSDL mà không tiếp cận cung cấp dịch vụ công thì cũng là lãng phí, Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Thực tế này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong tư duy, cách nghĩ, cách làm của những người làm trong TTTT các Bộ, ngành, địa phương. Mua phần cứng mà chưa làm được phần mềm, CSDL, hoặc đầu tư đủ hết rồi đấy, nhưng không ra được ứng dụng thì cũng không hiệu quả.

Yêu cầu của Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 36a là 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp phải tối thiểu từ cấp 3 trở lên. Các cơ quan, bộ, ngành hoàn toàn có thể ra đề bài cho DN. NN không phải đầu tư hệ thống nữa mà chỉ cần trả tiền thuê. Đơn cử như bảo hiểm mỗi năm thanh toán 50.000 tỷ. "Hiện ta đang làm thủ công, trùng lặp, nhầm lẫn bao nhiêu tiền? Không báo cáo nào có con số dưới 1% cả. Hoặc thanh toán cho người có công cũng lên tới 30.000 tỷ/năm. Những cái này chỉ cần Bộ TT&TT, LĐ, TB&XH, Bảo hiểm xã hội ra đề bài, các doanh nghiệp như VNPost làm thì sẽ hiệu quả hơn nhiều...", ông khuyến nghị.

Đưa ra gợi ý cho các doanh nghiệp CNTT trong nước, Phó Thủ tướng mong rằng các doanh nghiệp sẽ vào cuộc một cách chủ động, tìm kiếm cơ hội "cho thuê dịch vụ" với sự hỗ trợ từ Bộ TT&TT. "Các doanh nghiệp có thể xem trong những dịch vụ công, cái nào thu phí trước, người dân dùng nhiều thì mình làm. Các doanh nghiệp lớn đương nhiên có tiềm lực, nhưng CNTT là việc của toàn cộng đồng. Làm thế nào để DN lớn vào trước, khai mở, tạo cơ chế cho cộng đồng cũng tham gia, tạo niềm tin cho cả cộng đồng CNTT trong nước là điều rất quan trọng", ông kết luận.

Trọng Cầm