Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VIDA

Mới đây, đã diễn ra “Diễn đàn trao đổi Công nghệ và Nông sản Việt Nam-Nhật Bản” do VIDA cùng FPT phối hợp với Tập đoàn SBI, công ty DENBA (Nhật Bản) tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom.

Tham dự Diễn đàn có nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đang hoạt động và quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và chuyển đổi số công nghệ cao, theo đuổi các mô hình và dây chuyền sản xuất tối ưu cho nhà cung ứng và người tiêu dùng.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VIDA, Chủ tịch FPT nhấn mạnh: Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản không ngừng được đẩy mạnh và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước đã đi vào chiều sâu và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của cả hai nước. Việt Nam là quốc gia đang phát triển và nông nghiệp vẫn là ngành giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Thị trường Nhật Bản đã và đang được đánh giá là thị trường vô cùng tiềm năng về lĩnh vực nông sản Việt. Các loại trái cây của Việt Nam hiện đang rất được ưa chuộng tại thị trường này. Đồng thời đây cũng là nơi có nhiều dây chuyền sản xuất, công nghệ tiên tiến hướng tới nông nghiệp xanh, sạch an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như người sản xuất.

 Theo ông Trương Gia Bình, nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức khá lớn như nhu cầu lương thực, thực phẩm không ngừng tăng do dân số ngày càng tăng; diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do xu hướng đô thị hóa; sự diễn ra mạnh mẽ của biến đổi khí hậu; quá trình hội nhập nền kinh tế quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản không ngừng tăng cao. 

Những thách thức trên đòi hỏi nông sản Việt Nam phải không ngừng gia tăng về sản lượng và nâng cao về chất lượng. Do đó, việc áp dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu trong nông nghiệp và là giải pháp giải quyết những thách thức cho nền nông nghiệp nước nhà.

Nhật Bản có ngành nông nghiệp tiên tiến bậc nhất thế giới thông qua việc áp dụng các trang thiết bị hiện đại nhằm tự động hóa tối đa các khâu từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản và phân phối.

Nông nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản là ngành đang được nhiều nước trên thế giới học hỏi, đặc biệt trong bối cảnh diện tích đất trồng đang ngày càng bị thu hẹp và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở nên nhức nhối trên toàn thế giới.

Chính vì vậy, thông qua Diễn đàn, có thể giới thiệu tới doanh nghiệp những công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất và kinh doanh nông nghiệp cũng như những nông sản chất lượng cao phù hợp với những quy chuẩn của thị trường hai nước.

Chủ tịch VIDA đề nghị, Tập đoàn SBI nghiên cứu hỗ trợ VIDA và doanh nghiệp được sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và công nghệ bảo quản lạnh, mát trong một số nhóm sản phẩm trọng điểm của Việt Nam. Đồng thời, quan tâm, hỗ trợ VIDA và các thành viên đàm phán với nhà phân phối, bán lẻ tại Nhật mua một số sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam. VIDA mong muốn là nhà nhập khẩu và phân phối một số sản phẩm của Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, Chủ tịch FPT đề nghị VIDA và Tập đoàn SBI cùng nghiên cứu, trình Chính phủ, Bộ, ngành liên quan của hai nước những dự án đầu tư quy mô lớn những trung tâm chế biến và bảo quản trái cây theo tiêu chuẩn thị trường Nhật tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Yoshitaka Kitao, Giám đốc điều hành Tập đoàn SBI kỳ vọng sự kiện sẽ thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước Nhật - Việt.

 Ông Yoshitaka Kitao cho biết, Tập đoàn SBI đang nỗ lực hướng tới việc hiện thực hóa "Trung tâm tài chính quốc tế", đây sẽ là trung tâm tài chính thế hệ tương lai ở Osaka và Kobe như là một phần của chiến lược phát triển kinh tế địa phương.

“Chúng tôi tin rằng nếu thu thập được thông tin hữu ích cho các bên liên quan trong một thị trường có lượng giao dịch lớn và niêm yết các sản phẩm như cafe ... thì chúng ta có thể kỳ vọng vào tác dụng nâng cao sức mạnh thương hiệu của hàng Việt Nam”, ông Yoshitaka Kitao nói.

Giám đốc điều hành Tập đoàn SBI cũng bày tỏ sự tin tưởng Diễn đàn sẽ trở thành cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời cải thiện các vấn đề khác nhau liên quan đến nông nghiệp.

Chia sẻ về ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh FPT IS đã giới thiệu tới hội thảo các sản phẩm và nền tảng số của FPT, đặc biệt là cách tiếp cận toàn diện chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp. Một số giải pháp chuyển đổi số được đề xuất phục vụ các chiến lược kinh doanh dựa trên chuỗi giá trị ngành, trong đó có nền tảng tích hợp 4.0, gồm quyết định dựa trên dữ liệu lớn và AI; quản lý truy xuất nguồn gốc; quản lý môi trường qua IoT; giải pháp quản lý dữ liệu phòng thí nghiệm; các giải pháp chuyển đổi hệ thống thông tin...

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh FPT IS.

Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS khẳng định, FPT là đối tác chiến lược giúp kinh doanh nông nghiệp Việt Nam tồn tại và bứt phá trong tương lai. Ông Phan Thanh Sơn đã chia sẻ kinh nghiệm của FPT trong chuỗi cung ứng nông nghiệp như thông qua việc hợp tác trong tin học hóa, chuyển đổi số với tập đoàn Minh Phú, Phúc Sinh, Vinasoy, Vinamilk… Đại điện FPT nhấn mạnh và cho rằng đang có sự dịch chuyển sang các mạng lưới cung ứng số với sự kết nối giữa nhà máy thông minh, cung ứng thông minh, quy hoạch đồng bộ, kết nối khách hàng...