Nhận định trên vừa được ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nêu bật tại tọa đàm “Vai trò của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam” diễn ra ngày 25/5, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 (Vietnam - Asia DX Summit 2022).

{keywords}
Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải chia sẻ tại phiên tọa đàm ngày 25/5.

Tham gia tọa đàm cùng đại diện lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp, Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT), Trung tâm Dữ liệu quốc gia về Dân cư (Bộ Công an) cùng lãnh đạo  các doanh nghiệp FSI, VNPT IT và MoMo, đại diện Cục Thương mại điện tử (TMĐT)và Kinh tế số cho biết, những năm qua, TMĐT Việt Nam đã sự phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng 16-17%/năm.

Các giao dịch được thực hiện thông qua sàn TMĐT, mạng xã hội và website bán hàng trực tiếp của doanh nghiệp, người kinh doanh. Tuy phát triển với tốc độ đột phá, các giao dịch TMĐT luôn ẩn chứa nhiều rủi ro cho cả người mua và người bán. 

Để đảm bảo an toàn cho các giao dịch, giao kết hợp đồng cho các chủ thể trên môi trường TMĐT, ông Đặng Hoàng Hải cho rằng: Hợp đồng điện tử được triển khai rộng rãi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại số nói riêng và hoạt động thương mại trong nước, quốc tế nói chung. Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành hành lang pháp lý cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử trong Nghị định 52 năm 2013 và gần đây nhất là Nghị định 85 năm 2021 về TMĐT. 

Phân tích về ý nghĩa của ứng dụng hợp đồng điện tử, ông Đặng Hoàng Hải phân tích, việc này sẽ giúp các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng được hưởng nhiều lợi ích.

Trước hết là chi phí, một hợp đồng truyền thống sẽ mất phí giấy tờ, in ấn, chuyển phát hoặc đi lại. Trong khi đó, mỗi hợp đồng, giao kết điện tử khi sử dụng, sẽ tiết kiệm 30.000 - 80.000 đồng, nhân với số lượng hợp đồng hàng năm sẽ tiết kiệm được khoản tiền rất lớn.

So với quy trình hợp đồng giấy phải ký trình lãnh đạo thì sử dụng hợp đồng điện tử sẽ tiết kiệm thời gian. Lãnh đạo đơn vị có thể đang đi công tác vẫn phê duyệt, ký kết hợp đồng, giúp nâng cao hiệu suất công việc.

{keywords}
Chuyển đổi số trong ký kết hợp đồng, văn bản giao dịch thương mại được nhận định là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế số. (Ảnh minh họa: amis.misa.vn)

Ngoài ra, với hợp đồng điện tử, các bên thứ ba như ngân hàng, các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước có thể căn cứ trên hợp đồng điện tử với xác thực của các đơn vị được Bộ Công Thương cấp phép, hoặc thông qua Trục phát triển hợp đồng điện tử của Bộ Công Thương để xác minh giá trị bản gốc của hợp đồng. Việc này tiết kiệm nhiều thời gian xác minh và hạn chế chứng từ giả, chứng từ khống.

Khâu lưu trữ hợp đồng dưới dạng điện tử giúp doanh nghiệp quản lý, tra cứu, tìm kiếm một cách dễ dàng mà vẫn đảm bảo sự an toàn, bảo mật.

“Với việc thương mại điện tử ngày càng phát triển, các giao dịch thương mại truyền thống ứng dụng hợp đồng điện tử có chứng thực sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tối đa hiệu suất kinh doanh và tiếp cận khách hàng tiềm năng. Giúp xã hội văn minh và góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội”, ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh.

Song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, căn cứ cấp phép cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã phát triển hệ thống Trục phát triển hợp đồng điện tử quốc gia (CeCA.gov.vn). Đây là nơi cung cấp thông tin xác thực hợp đồng toàn quốc cho các bên thứ ba, đồng thời là nền tảng hỗ trợ, kết nối các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử được cấp đăng ký, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ dấu thời gian, chữ ký số, định danh và xác thực đã được Bộ TT&TT cấp phép.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực MISA nhấn mạnh, chuyển đổi số trong công tác ký kết hợp đồng, văn bản giao dịch thương mại sẽ tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế số. MISA đã phát triển giải pháp ký hợp đồng điện tử AMIS WeSign giúp tiết kiệm 90% thời gian và 85% chi phí so với hình thức ký kiểu cũ.

Quy trình ký kết tài liệu của phần mềm AMIS Wesign được tự động hóa hoàn toàn từ khâu tạo lập - trình ký - lưu trữ nên người dùng có thể ký tài liệu hàng loạt từ xa và ký mọi lúc, mọi nơi bằng nhiều loại thiết bị bởi tài liệu được quản lý tập trung và phân quyền linh hoạt.

“Việt Nam đang có hơn 800.000 doanh nghiệp, nếu trung bình một doanh nghiệp phải thực hiện 1.000 hợp đồng/năm thì việc áp dụng giải pháp ký hợp đồng sẽ giúp tiết kiệm cho quốc gia khoảng 36.000 tỷ đồng”, đại diện MISA nói. 

Được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức trong hai ngày 25 và 25/5, Vietnam - Asia DX Summit 2022 thu hút trên 2.500 lượt đại biểu tham dự trực tiếp và khoảng 10.000 lượt đại biểu tham dự qua các nền tảng trực tuyến. Ngoài phiên khai mạc, Diễn đàn có 18 phiên chuyên đề được thiết kế theo 4 trục: Chính phủ số, Kinh tế số, Doanh nghiệp số, Chuyển đổi số tại châu Á.

Vân Anh

Doanh nghiệp CNTT sẽ tập trung nghiên cứu, đầu tư để tạo ra các nền tảng công nghệ phục vụ người Việt

Doanh nghiệp CNTT sẽ tập trung nghiên cứu, đầu tư để tạo ra các nền tảng công nghệ phục vụ người Việt

Theo Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa, cộng đồng doanh nghiệp CNTT phải đẩy mạnh đầu tư và nghiên cứu các công nghệ mà chuyển đổi số sẽ áp dụng để tạo ra các sản phẩm công nghệ của người Việt, phục vụ cho người Việt.