Đây là thành quả của mô hình chợ 4.0 vừa được Sở TT&TT Thái Nguyên phối hợp với Viettel và UBND huyện Đại Từ tổ chức triển khai. Đây cũng là khu chợ đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên trở thành khu chợ số với hạt nhân là mobile money, dịch vụ cho phép người dân mua bán, chuyển tiền, thanh toán không tiền mặt dễ dàng, nhanh chóng.

Sau hơn 2 tháng triển khai, đã có hơn 300 tiểu thương tại khu vực chợ Đại Từ mở tài khoản và điểm thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện 70% tiểu thương tại đây đã thực hiện thanh toán số, 30% các giao dịch được thực hiện bằng phương thức thanh toán điện tử. 

Tại chợ 4.0, các chủ cửa hàng đều đã chuyển sang sử dụng phương thức thanh toán số. Ảnh: Trọng Đạt 

Mô hình chợ công nghệ, chợ 4.0 được coi là bước đi chiến lược trên con đường xây dựng, phát triển xã hội số và kinh tế số tại tỉnh Thái Nguyên. Mô hình này giúp người dân địa phương tiếp xúc với công nghệ số, thúc đẩy việc sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngay cả trong những giao dịch hằng ngày.

Theo ông Trần Đăng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, đến nay, cơ bản người bán, người mua tại chợ Đại Từ đã biết cách sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tích cực triển khai nhân rộng mô hình này và thúc đẩy việc tăng tỷ lệ người mua, người bán sử dụng phương thức giao dịch trực tuyến nhiều hơn. 

Trao đổi với VietNamNet, chị Lê Thị Mơ - một tiểu thương chuyên bán kem, trà đá trước cổng chợ Đại Từ (Thái Nguyên) cho biết đã sử dụng phương thức thanh toán số được gần một tháng nay. 

Điểm bán kem, trà đá chấp nhận thanh toán không tiền mặt. Ảnh: Trọng Đạt

Theo chị Mơ, dịch vụ này khá thuận tiện cho công việc kinh doanh và dễ sử dụng, thao tác hơn so với chuyển khoản ngân hàng. Đây là lý do khiến nhiều chủ cửa hàng tại khu vực này đã chuyển sang hình thức thanh toán mới khi được giới thiệu.

“Khoảng 30% người uống trà đá ở đây không dùng tiền mặt nữa mà đã chuyển qua thanh toán số”, chị Mơ nói. 

Cùng có chung nhận định như chị Mơ, chị Nguyễn Thị Thúy - một tiểu thương đang bán tạp hóa tại chợ Đại Từ cho biết, một trong những ích lợi của thanh toán số là việc người bán không phải chuẩn bị tiền lẻ. 

“Nhiều khi không có sẵn tiền lẻ, tôi phải chạy đi đổi khắp nơi rất bất tiện, với thanh toán số thì không cần như vậy nữa. Tiền của tôi không bị nhàu nát, việc quản lý trong tài khoản cũng dễ dàng”, chị chia sẻ.

Theo chị Thúy, phần lớn khách hàng tại tiệm tạp hóa của chị là công nhân. Hầu hết trong số họ đều đã chuyển sang sử dụng thanh toán số. Nhìn chung, khoảng 70% khách của cửa hàng chị Thúy đã sử dụng hình thức thanh toán này.

Để thanh toán số, người dân tại khu chợ 4.0 Đại Từ sử dụng ứng dụng Viettel Money. Hiện đã có nhiều khu chợ 4.0 như vậy được triển khai trên cả nước. Ảnh: Trọng Đạt

Ông Đỗ Xuân Hòa - Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc triển khai mô hình chợ 4.0 là bước đi tiếp theo nhằm cụ thể hóa Nghị quyết về Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên.

Chợ 4.0 giúp gia tăng hiệu quả kinh tế tại địa phương, thúc đẩy thói quen không dùng tiền mặt. Người dân Thái Nguyên không cần phải mang theo tiền mỗi khi đi chợ. Họ cũng sẽ nhận được những ưu đãi, chiết khấu nhất định khi sử dụng phương thức thanh toán mới. 

“Thái Nguyên sẽ nhân rộng mô hình chợ 4.0 trên địa bàn toàn tỉnh. Các tổ công nghệ số cộng đồng sẽ vận động người dân sử dụng, cài đặt các nền tảng số nói chung, trong đó có nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt. Chúng tôi cũng sẽ quan tâm, hỗ trợ triển khai các nền tảng số dùng chung trên địa bàn”, Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên nói. 

Trọng Đạt