Ngày 25/11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Để tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐTB&XH xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) về các đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội; kết nối, chia sẻ dữ liệu an sinh xã hội với CSDL quốc gia về dân cư theo tiến độ của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Bộ LĐTB&XH cũng được giao chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan liên quan thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản (bao gồm tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile Money và các hình thức hợp pháp khác) cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội ngay trong năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong hướng dẫn triển khai chi trả qua tài khoản cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội từ ngân sách nhà nước.

Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, triển khai Phần mềm quản lý công dân thuộc diện được hỗ trợ chính sách an sinh xã hội của Nhà nước trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử, hoàn thành trong năm 2022.

Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống thu thập, cập nhật thông tin về tài khoản của công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử; kết nối, đồng bộ dữ liệu với các CSDL của Bộ LĐTB&XH, các đơn vị liên quan để hỗ trợ thực thi chính sách về an sinh xã hội. 

Đối với Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát sửa đổi, bổ sung những quy định về quản lý, sử dụng và thanh quyết toán các chế độ chính sách an sinh xã hội cho phù hợp với chuyển đổi số và chi trả không dùng tiền mặt.

Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước nâng cấp dịch vụ công trực tuyến và hướng dẫn các đơn vị Kho bạc Nhà nước địa phương phối hợp với cơ quan chi trả an sinh xã hội để triển khai thực hiện quy trình chi trả chính sách, chế độ an sinh xã hội qua tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, hoàn thành trong quý I/2023.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có chính sách ưu đãi đối với các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi đăng ký và sử dụng tài khoản Mobile Money. Đồng thời, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cũng như đảm bảo việc trao đổi, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị thực hiện chính sách chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các ngân hàng thương mại, đơn vị tổ chức dịch vụ chi trả thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thuộc phạm vi chi trả của cơ quan mình, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Các tổ chức dịch vụ chi trả được yêu cầu phải chủ động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, kết nối hệ thống với Bộ LĐTB&XH cùng các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán để đảm bảo công tác chi trả từ tài khoản thuận tiện, dễ dàng, an toàn, minh bạch và bao phủ đến cấp xã; hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.