Đây là một nội dung trong công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung tổ chức thành công công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chú trọng tuyên truyền qua loa truyền thanh xã/phường/thị trấn ở vùng sâu, xa

Việc truyền thông, vận động bầu cử qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn được đặc biệt lưu ý với các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

{keywords}
Hệ thống loa, đài truyền thanh xã/phường/thị trấn cũng là một kênh truyền thông, vận động bầu cử được nhiều địa phương triển khai (Ảnh minh họa:laodongthudo.vn)

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan, thông tấn, báo chí tăng cường thông tin chuẩn xác, sáng tạo, sinh động để cử tri cả nước hiểu rõ, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong ngày bầu cử.

Giám sát, kiểm soát tốt an toàn thông tin, đồng thời chỉ đạo phản bác, ngăn chặn, xử lý kịp thời các thông tin xuyên tạc, quan điểm sai trái trên không gian mạng về cuộc bầu cử cũng nhà nhiệm vụ Bộ TT&TT được chỉ đạo cần tập trung.

Thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác truyền thông, vận động bầu cử đi bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cả nước triển khai bằng nhiều phương tiện, phương thức.

Đơn cử như, ngày 12/5, Bộ TT&TT đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di động mặt đất thực hiện 2 đợt nhắn tin tuyên truyền cho cuộc bầu cử cho thuê bao di động toàn quốc với tiêu đề “HĐBCG” và tần suất mỗi ngày 1 tin nhắn.

Cụ thể, trong đợt 1 vào các ngày 14, 15, 18 và 20/5/2021, các nhà mạng nhắn tin với nội dung “Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026!”.

Nội dung tin nhắn sẽ gửi trong đợt 2 vào các ngày 21/22 và 23/5/2021 là “Hội đồng bầu cử quốc gia đề nghị cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23-5-2021!”.

Thực hiện yêu cầu của Bộ TT&TT, theo số liệu thống kê sơ bộ của Viettel, VinaPhone, MobiFone tính đến trưa ngày 17/5, 3 nhà mạng này đã gửi tổng cộng hơn 900 triệu bản tin (gồm các tin nhắn đã quy đổi) tới các thuê bao trên toàn quốc để tuyên truyền về bầu cử.

Hà Nội: Hơn 7 triệu tài khoản Zalo tiếp cận thông tin về bầu cử

Với lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), trên website của cơ quan mình, Cục PTTH&TTĐT thông tin: Từ đầu năm 2021 đến nay, thông tin, tuyên truyền về bầu cử Quốc hội luôn là nội dung lớn được Đài PTTH chú trọng.

Các Đài PTTH trung ương và địa phương đã thực hiện nghiêm định hướng của các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí trong vấn đề thông tin, tuyên truyền về bầu cử. Đặc biệt, từ ngày 15/4/2021, các Đài đã cố gắng tăng cường trung bình 2 lần thời lượng chương trình tuyên truyền.  

Việc thông tin, tuyên truyền về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng đã được các Đài PTTH phát sóng trên các kênh phát thanh, kênh truyền hình của Đài; đăng tải lại trên các trang thông tin điện tử, ứng dụng trên Internet (app), trên fanpage Facebook, kênh Youtube của Đài…

Thống kê của Cục PTTH&TTĐT cũng cho hay, trong nửa đầu tháng 5/2021, báo chí và trang tin điện tử đã đăng tải, đăng tải lại, dẫn lại tổng số 18.523 tin/bài thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử, tăng 31% số lượng tin bài so với giai đoạn nửa cuối tháng 4/2021.

Tại Hà Nội, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Liêm cho biết, tính đến ngày 19/5, Sở đã phối hợp với VNG - đơn vị chủ quản ứng dụng Zalo để gửi 70 bản tin với 508 tin, bài đến hơn 7 triệu tài khoản người dùng Zalo trên địa bàn thành phố.

Trên ứng dụng Zalo “Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội”, đã đăng tải danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026.

Đồng thời, tài khoản Sở TT&TT Hà Nội trên mạng xã hội Lotus cũng đã đăng tải 486 tin, bài tuyên truyền về bầu cử.

{keywords}
Người dân Hà Nội có thể quét mã QR và nhấn “Quan tâm” để theo dõi các tin tức chính thống về Hà Nội cũng như công tác bầu cử trên địa bàn trên Zalo “Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội".

Ngay trên ứng dụng Zalo, người dân chỉ cần tìm kiếm “Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội" /hoặc quét mã QR và nhấn “Quan tâm”, các tin tức chính thống về Hà Nội cũng như công tác bầu cử trên địa bàn sẽ được cập nhật đến người dân mỗi ngày.

Ngoài ra, tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội, các đơn vị cũng đã tăng thời lượng, số lượng, tần suất đưa các tin, bài thông tin, tuyên truyền về bầu cử trên hệ thống truyền thanh; đồng thời tiếp tục phát thanh nội dung đĩa CD do Sở TT&TT phát hành, phát huy hiệu quả tất cả các loại hình thông tin cơ sở

“Trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc áp dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền trên các nền tảng công nghệ số là rất cần thiết, vừa phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền bầu cử, vừa đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch”, ông Liêm nhấn mạnh.

Vân Anh

Nhà mạng gửi thông tin tuyên truyền, nhắc lịch bầu cử đến từng thuê bao

Nhà mạng gửi thông tin tuyên truyền, nhắc lịch bầu cử đến từng thuê bao

Để tuyên truyền tới đông đảo người dân về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nhắn tin tới các thuê bao di động trong vài ngày qua.