Tuần trước, FPT Shop đồng loạt khai trương thêm 87 trung tâm laptop, nâng tổng số cửa hàng chuyên biệt mảng máy tính xách tay của họ lên 157 cửa hàng. Đây là số lượng cửa hàng máy tính xách tay lớn so với các hệ thống khác.

Trước đó, các chuỗi bán lẻ quy mô nhỏ hơn như CellphoneS, Di Động Việt cũng mở các cửa hàng tương tự. Trong khi đó, ông lớn Thế Giới Di Động đã tiên phong mở 26 cửa hàng laptop hồi tháng 9/2020.

Trung tâm laptop của các nhà bán lẻ là những cửa hàng hiện hữu được sửa sang để bày biện ưu tiên cho máy tính xách tay và phụ kiện liên quan, thay vì chú trọng vào smartphone như các cửa hàng thông thường. Những trung tâm này sẽ bày bán nhiều mẫu laptop hơn, với số lượng lớn và nhiều phụ kiện phù hợp hơn.

{keywords}
Trung tâm laptop của nhà bán lẻ sẽ trưng bày nhiều sản phẩm laptop hơn so với cửa hàng thông thường.

“Ngoài ra, khách hàng còn được tư vấn, hỗ trợ cài đặt bởi đội ngũ được đào tạo chuyên sâu về laptop, từ đó chọn lựa sản phẩm phù hợp hơn”, ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc ngành hàng laptop FPT Shop cho biết thêm.

Các nhà bán lẻ có lý do trong việc mở cửa hàng ưu tiên cho máy tính xách tay. Tại thời điểm tháng 9/2019 khi mở những trung tâm laptop đầu tiên, ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh – cho hay doanh số laptop có sự tăng trưởng trong giai đoạn đó, cộng với việc thị trường khan hiếm các cửa hàng chỉ bán laptop, do đó Thế Giới Di Động nhảy vào mảng này. Thời điểm khai trương rơi đúng vào tháng 9 - giai đoạn vàng của ngành laptop vì nhu cầu lớn của nhóm học sinh sinh viên mua sắm thiết bị khai trường.

Bước sang năm 2020 và năm 2021 sau đó, dịch bệnh khiến nhu cầu mua laptop phục vụ học và làm việc từ xa tăng đột biến, tăng trưởng ngành hàng cũng bứt phá. Điều này càng hối thúc các chuỗi bán lẻ tập trung cho nhóm thiết bị này.

FPT Shop cho hay tăng trưởng ngành máy tính xách tay trong năm 2021 gấp đôi so với kế hoạch. Chuỗi này chiếm 35% thị phần laptop năm ngoái, dẫn đầu thị trường bán lẻ máy tính xách tay – theo số liệu GfK.

Trong khi đó, năm 2021 mảng máy tính xách tay tại Thế Giới Di Động tăng trưởng 58% so với 2020. Vào giai đoạn cao điểm tháng 9, tháng 10 mùa tựu trường năm ngoái, mỗi tháng Thế Giới Di Động đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng, trung bình đạt doanh số 50 ngàn sản phẩm/tháng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, ngành này mang về gần 3.300 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại các chuỗi nhỏ hơn, mức tăng trưởng càng ấn tượng vì chuyển hướng tập trung sang laptop muộn hơn. Chẳng hạn, năm 2021 ngành hàng laptop tại CellphoneS tăng gấp 5 lần so với năm 2020, đặc biệt tăng mạnh ở TP.HCM và Hà Nội.

Kết quả trên thúc đẩy CellphoneS mở đến 12 trung tâm laptop hồi cuối năm ngoái, nhằm mở rộng thêm nhiều thương hiệu và dải sản phẩm. Riêng máy tính iMac, chuỗi đặt mục tiêu tăng trưởng đến 200%, một phần nhờ sự góp sức của các trung tâm máy tính xách tay mở mới.

Theo ông Hiểu Em, thị trường laptop tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 1 triệu máy được bán ra mỗi năm, với doanh số 12 - 14 ngàn tỷ đồng. Trong đó, sản phẩm laptop phân khúc 10 - 15 triệu đồng thường được mua nhiều.

Riêng máy tính Mac của Apple, CellphoneS cho hay doanh số năm 2021 ước đạt 1.800 tỉ đồng, tương đương 70 ngàn máy bán ra. Do nhu cầu tăng lên, Apple đã tăng cường lượng máy tính Mac và iPad tại Việt Nam lên hơn 50% so với năm 2020.

Hải Đăng

Điện thoại sụt giảm, laptop bán tốt mùa tựu trường

Điện thoại sụt giảm, laptop bán tốt mùa tựu trường

Thị trường điện thoại sụt giảm do khó khăn trong giao hàng và người dân thắt chặt chi tiêu, trong khi đó máy tính bảng và laptop được mua nhiều.