LG có lịch sử phát triển điện thoại di động 26 năm, con số này khá dài so với Apple, hãng mới chỉ sản xuất điện thoại được 14 năm. Trong thời đại của điện thoại phổ thông, dòng Cookie và dòng điện thoại trong suốt là những sản phẩm để lại dấu ấn của LG.

{keywords}

Chiếc điện thoại màn hình cuộn từng gây chú ý tại CES 2021 của LG

Bước vào kỷ nguyên Smartphone, sau khi hợp tác với Google để sản xuất Nexus 4 và Nexus 5, LG đã trở thành nhà sản xuất Smartphone lớn thứ 3 thế giới vào năm 2013, chỉ đứng sau Samsung và Apple. Đáng tiếc thời hoàng kim của điện thoại di động LG đã không thể kéo dài.

Theo số liệu do Counterpoint công bố, trong quý 3/2020, lượng xuất xưởng điện thoại di động của LG là 6,5 triệu chiếc, thấp hơn 7,2 triệu chiếc so với cùng kỳ năm 2019 và thị phần chỉ chiếm 2%. Việc kinh doanh điện thoại di động của LG có 23 quý thua lỗ liên tiếp. Trong 5 năm qua tổng thiệt hại 5 nghìn tỷ won (khoảng 103 nghìn tỷ đồng).

Bước sang năm 2021, mặc dù LG đã hé lộ về chiếc Smartphone màn hình cuộn tại CES nhưng tín hiệu không mấy khả quan. Mới đây, theo nguồn tin từ Yohap News, LG đang xem xét bán mảng kinh doanh điện thoại di động.

Liên tục đổi mới phần cứng, nhưng thiếu điểm nhấn

Rõ ràng là không công bằng khi nói LG thiếu sự đổi mới. Hãng cũng đã nỗ lực ra mắt nhiều sản phẩm có tính sáng tạo, ví dụ như dòng G5 vào năm 2016 với thiết kế được cải tiến đáng kể và rất được lòng giới game thủ. Đáng tiếc nó vẫn không thể tạo thành xu hướng.

Không chỉ G5, những đổi mới của các thế hệ trước thuộc dòng G cũng không giúp LG đảo ngược xu thế. Cho dù đó là nút nguồn và điều khiển âm lượng gắn phía sau trên LG G2 hay màn hình cong của LG G4, sự sáng tạo của LG vẫn bị cho là đi ngược với nhu cầu thực tế của người dùng.

Thời điểm phương pháp mở khóa vân tay dưới màn hình và công nghệ nhận diện khuôn mặt trở nên phổ biến, LG cũng phát triển tính năng mở khóa palmprint theo một cách độc đáo. Tại MWC năm 2019, LG đã phát hành sản phẩm G8 ThinQ, có thể xác định các cá nhân khác nhau thông qua hình dạng và kết cấu của các đường vân trong lòng bàn tay. Nói cách khác, nó được mở khóa bằng các vân tay. Tuy nhiên G8 ThinQ cũng không để lại nhiều ấn tượng trên thị trường.

Sự thất bại của các thế hệ sản phẩm trước đây không giúp LG thay đổi, kết quả là hai chiếc điện thoại LG Velvet và LG Wing ra mắt năm ngoái vẫn đi vào đường cụt. Trong số đó, LG Velvet thuộc dòng cao cấp có giá khoảng 16 triệu đồng được trang bị chip Snapdragon 765G, màn hình AMOLED 1080P 60Hz và ba camera 48 megapixel. Ở thời điểm thương hiệu điện thoại LG đã thoái trào, cấu hình và giá cả như vậy thực sự đáng kinh ngạc.

Chiếc LG Wing còn lại được biết đến với thiết kế màn hình có thể xoay được đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý. Đáng tiếc, dù tạo điểm nhấn với 2 màn hình nhưng việc trang bị pin 4000mAh duy nhất khiến thời lượng sử dụng của LG Wing bị hạn chế. Bên cạnh đó, khả năng thích ứng kém với các ứng dụng và phần mềm đã khiến người dùng nhanh chóng quay lưng và chiếc Smartphone đáng chú ý này, cuối cùng cũng không thoát khỏi lời nguyền doanh thu không đủ bù lỗ.

Sự thua lỗ của LG không phải là ngoại lệ

Khi miếng bánh thị phần ngày càng ít, sự cạnh tranh trên thị trường trở nên khốc liệt hơn, các thương hiệu Smartphone tầm trung trở xuống sẽ dần bị loại bỏ. Do đó, các nhà sản xuất như LG, vốn có thị phần nhỏ, chắc chắn sẽ sụt giảm trong thời gian tới. Ngay cả HTC, Sony và các thương hiệu đã từng kinh doanh trong lĩnh vực điện thoại di động, một khi thị phần giảm sút và trở thành thương hiệu ngách ở phân khúc bình dân, phá sản hoặc bị thâu tóm sẽ là 2 lựa chọn cuối cùng.

Nhà phân tích di động Daniel Gleeson cho biết: “Tôi đã nói về Sony, HTC và LG trong vài năm qua. Ban đầu tôi dự đoán HTC sẽ ngừng sản xuất Smartphone sau khi về tay Google nhưng cuối cùng họ vẫn ra mắt sản phẩm mới? Còn với LG và Sony, mảng Smartphone chỉ là cách để họ phô diễn công nghệ màn hình và máy ảnh”.

Quả thực, dù 3 thương hiệu nói trên vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường, nhưng họ không thể chịu được mức lỗ hàng năm liên tục kéo dài. Giờ đây, khi LG đã được đánh tiếng sẽ bán mảng kinh doanh Smartphone, liệu HTC và Sony có phải cái tên sẽ được nhắc đến tiếp theo?

Tóm lại

Tại sao những nhà sản xuất điện thoại lừng lẫy một thời như LG, HTC và Sony lại không thể bắt kịp thời đại và đứng vững trước xu thế? Có lẽ, như với LG, chỉ đổi mới thôi là chưa đủ. Đổi mới nhưng phải đáp ứng nhu cầu và giải quyết được những vấn đề của người tiêu dùng, đó mới là cách để các hãng sản xuất điện thoại di động tồn tại lại trên thị trường ngày càng bị thu hẹp hiện nay.

Phong Vũ

LG muốn bán mảng di động cho một hãng smartphone Việt Nam

LG muốn bán mảng di động cho một hãng smartphone Việt Nam

Newspim đưa tin, LG Eletronics muốn bán bộ phận di động và trong thương vụ này, một hãng smartphone Việt Nam nổi lên như một trong các ứng cử viên sáng giá.