Thời gian qua, công tác cải cách hành chính của Bộ TT&TT đã có rất nhiều tiến bộ. Từ xếp hạng 5/19 với chỉ số cải cách hành chính đạt 84,02% năm 2016, sang năm 2017, kết quả cải cách hành chính của Bộ đã có sự bứt phá đáng kể, xếp hạng 2/19 bộ, cơ quan ngang Bộ, với chỉ số cải cách hành chính đạt 86,13% năm 2017. Đây cũng là năm đầu tiên Bộ TT&TT có chỉ số công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính xếp hạng 1/19, là năm đầu tiên Bộ hoàn thành 100% chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong năm.

Theo số liệu thống kê, Bộ TT&TT đang cung cấp 240 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong đó, có 195 thủ tục do các cơ quan thuộc Bộ thực hiện, 45 thủ tục do Sở TT&TT thực hiện. Trong số này, có 25 dịch vụ công mức độ 3 (chiếm 12,8%) và 26 dịch vụ công mức độ 4 (chiếm 13%). Từ đầu năm tính đến ngày 15/6/2018, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã tiếp nhận, giải quyết 16.244 hồ sơ thủ tục hành chính.

Một trong những điểm đáng chú ý là Bộ TT&TT và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đã tổ chức Lễ ký thỏa thuận hợp tác về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Theo đó, VNPost sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để xây dựng quy trình, cung ứng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đây là cách làm mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực TT&TT.

Dự kiến đến năm 2020, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT sẽ triển khai 98 dịch vụ công mức độ 3, 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Điều này cũng đồng nghĩa, toàn bộ các dịch vụ công thuộc lĩnh vực TT&TT có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đều sẽ được triển khai ở mức độ cao.

Bên cạnh việc cải cách các thủ tục hành chính, Bộ TT&TT cũng rất nỗ lực trong công tác cắt giảm điều kiện kinh doanh nhằm tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng hồi đầu tháng 10/2018 về tình hình ban hành các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh của các Bộ, ngành, Bộ TT&TT đã trở thành một trong những Bộ làm rất tốt công tác này. Cụ thể, Bộ TT&TT đã cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh, 89 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, vượt kế hoạch 21,92%.

Trước đó, theo yêu cầu của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Báo cáo số 70/BC-TCTTTg ngày 1/3/2018 về việc báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, Bộ TT&TT có 143 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, cần thực hiện cắt giảm 50% mặt hàng kiểm tra chuyên ngành. Đến tháng 7/2018, Bộ TT&TT đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 89/146 loại sản phẩm hàng hóa (chiếm 60,96%) đạt yêu cầu theo Báo cáo số 70.

Đáng chú ý, ngoài nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ TT&TT còn chủ động đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thêm nhiều điều kiện kinh doanh khác như: 1/6 điều kiện kinh doanh dịch vụ bưu chính; 1/6 điều kiện kinh doanh dịch vụ viễn thông; 10/41 điều kiện kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số;1/4 điều kiện kinh doanh gia công, tái chế, sửa chữa, làm mới sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng thuộc danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu cho đối tác nước ngoài…Tổng số điều kiện kinh doanh cắt giảm, đơn giản hóa thêm là 173/361, đạt tỷ lệ 48%. Và tổng số điều kiện kinh doanh Bộ TT&TT đã hoặc đề xuất cắt giảm hoặc đơn giản hóa là 199/385 điều kiện kinh doanh, đạt tỷ lệ: 51,7%.

Tại hầu hết các hội nghị giao ban quản lý nhà nước, lãnh đạo Bộ TT&TT đều nhấn mạnh đến công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Những nỗ lực của Bộ TT&TT đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Đơn cử, theo chia sẻ của một tổng giám đốc công ty thiết bị in, nhờ có Bộ TT&TT đồng hành cùng doanh nghiệp, đề xuất sửa đổi bổ sung quy định cho phép nâng “tuổi đời” thiết bị in đã qua sử dụng từ 10 năm lên 20 năm mà nhiều doanh nghiệp đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, không bị phá sản.