Ở vòng đấu loại trực tiếp World Cup 2018, Nhóm Hiệp sỹ Online đã ghi nhận tình trạng vi phạm bản quyền World Cup trên Internet gia tăng trở lại so với mấy ngày trước đó.

Vào tối qua đã diễn ra hai trận đấu của vòng 1/8, lúc 21h ngày 1/7 là trận đấu giữa Nga và Tây Ban Nha, lúc 1h ngày 2/7 là trận đấu giữa Croatia và Đan Mạch. Theo tổng kết sơ bộ của Nhóm “Hiệp sỹ Online”, các hiệp sỹ đã rà soát và phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm bản quyền 2 trận đấu World Cup tối qua.

Trong trận Nga và Tây Ban Nha, nhóm Hiệp sỹ Online phát hiện 39 link Facebook livestream trực tiếp các trận đấu, 12 link trên YouTube, 6 trang web phát lậu và 6 ứng dụng OTT vi phạm bản quyền. Trong trận Croatia và Đan Mạch lúc 1h ngày 2/7, Nhóm Hiệp sỹ Online tiếp tục phát hiện 18 link Facebook, 9 link YouTube, 5 trang web lậu và 6 App OTT đã vi phạm bản quyền World Cup.

Đối với các link Facebook sau khi bị phát hiện và báo cáo, Facebook đã xóa link vi phạm trong vài chục phút, còn trên YouTube thì việc xóa link vi phạm lâu hơn.

Khó khăn nhất hiện nay là việc xử lý vi phạm bản quyền đối với các trang web lậu và các App OTT, những trang này ngang nhiên thu tín hiệu từ vệ tinh nước ngoài rồi lồng tiếng tường thuật của VTV, hoặc tự lồng tiếng. Mặc dù Nhóm Hiệp sỹ Online đã báo cáo với đại diện VTV để có biện pháp xử lý các trang vi phạm, nhưng các trang đó vẫn tồn tại từ đầu mùa giải đến nay. Cụ thể là một số trang vi phạm điển hình như: thucdem.tv, vatvo.tv, xoac.tv, xoilac.tv, keonhacai.com, tv.101vn.com, mybongda.com, tructiep3s.net.

Một số App OTT vi phạm bị Nhóm Hiệp sỹ Online phát hiện như: FlyTV, VietMobi TV, Xem tivi Online, Xem tivi truc tuyen, Trực tiếp Bóng đá, Xem tivi Online Ola 2018.

Nhóm Hiệp sỹ Online hoạt động theo mô hình tự phát và tự nguyện với sự tham gia của nhân viên của VTV, VTVcab, HTV, một số cơ quan báo đài khác, có cả một số sinh viên nhưng đã góp phần giảm thiểu đáng kể hành vi vi phạm bản quyền.

Cho đến hết vòng đấu bảng, Nhóm Hiệp sỹ Online đã phát hiện hơn 400 link vi phạm, trong đó 2/3 đã bị xử lý. Đặc biệt nhóm phát hiện ra tình trạng vi phạm bản quyền trên vệ tinh từ băng tần C, trong đó có tình trạng là ''chia sẻ khóa các kênh VTV'' từ vệ tinh băng tần C, nhóm đã phối hợp với VTV để đổi mã khóa, tuy nhiên tình trạng phá mã vệ tinh để "xem chùa" vẫn diễn ra.

Tình trạng vi phạm bản quyền trên mạng xã hội có nhiều biến tướng, còn nhiều người ngang nhiên livestream âm thanh kênh VTV trái phép trên YouTube. Hoặc một số ít người tiếp tay cho livestream trái phép bằng hành vi share lên Facebook cá nhân của mình một cách công khai.

Số lượng các trang web lậu bị chặn khá hạn chế, một số trang dù báo chí đã lên tiếng cảnh báo nhưng đến nay vẫn tiếp tục vi phạm như xoilac.tv, vatvo.tv, xoac.tv.

Theo đại diện của Nhóm Hiệp sỹ Online, nhóm là một mô hình khá mới trên mạng xã hội. Giải World Cup 2018 là một giải kéo dài liên tục gần 1 tháng nên hơn 30 thành viên của nhóm phải phân công ca kíp trực. Qua hơn 2 tuần hoạt động, nhóm đã phát hiện ra một số hành vi vi phạm bản quyền mới như một số đơn vị truyền dẫn vệ tinh để tràn sóng tín hiệu World Cup 2018, để lộ key C band VTV; một số trang web, OTT chính quy truyền dẫn tín hiệu World Cup 2018 của HTV trái phép, nhóm đã theo dõi và kết hợp với HTV để xử lý triệt để ngay.

Chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động “bắt” vi phạm bản quyền, đại diện Nhóm Hiệp sỹ Online cho hay, đầu tiên phải kể đến là do nhóm làm chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên vẫn còn chậm, chưa phát hiện được nếu thủ phạm thay đổi tên gọi, lách việc báo bản quyền bằng những tên gọi không liên quan gì tới World Cup. Thêm vào đó, Facebook, YouTube chưa hỗ trợ cho người xem report (báo cáo) bản quyền nếu phát hiện có vi phạm đối với đơn vị khác. Trong số các link vi phạm mà nhóm đã báo cáo thì có khá nhiều link bị VTV, HTV, FIFA chặn kịp thời nhưng vẫn còn không ít link vẫn sống và tiếp tục vi phạm. Việc xử lý các trang web, mạng xã hội vi phạm bản quyền bằng cách chỉ trích xuất live âm thanh từ VTV, HTV còn khó khăn.