Số lượng người xem VOD ở Việt Nam sẽ đạt gần 6% vào năm 2021

Theo số liệu của Statista, doanh thu thị trường VOD (Video theo yêu cầu) của Việt Nam, mức độ dân số sử dụng dịch vụ VOD sẽ vào khoảng 3,3% vào năm 2017 và dự kiến tăng lên mức 5,9% vào năm 2021. Tuy nhiên, doanh thu trung bình của mỗi thuê bao Việt Nam (ARPU) đang thấp hơn mức trung bình của thế giới gần 10 lần, chỉ đạt khoảng 5,78 USD. Như vậy. doanh thu của thuê bao Việt Nam đang ở mức thấp của thế giới và chỉ tăng 2,9% mật độ dân số sử dụng dịch vụ VOD sau 4 năm tới.

Điều này tưởng chừng như rất vô lý khi trong thời gian qua, thị trường VOD ở Việt Nam phát triển rất mạnh với sự tham gia của những doanh nghiệp nội dung lớn từ Việt Nam gồm Clip TV, BHD (Danet), Galaxy (FimPlus) cho đến những đơn vị quốc tế như Netflix hay iFlix.

Lý giải cho điều này trong chương trình Kết nối không giới hạn trên HTV9 ngày 4/4, ông Phan Thanh Giản, Giám đốc Clip TV cho biết, dù theo thống kê của Google, số lượng người xem dịch vụ VOD ở Việt Nam chỉ kém lượng người dùng mạng xã hội nhưng hiện đa phần xem miễn phí dễ dàng trên các trang web lậu. Vì thế, trong thời gian tới, khi chuyển dịch từ dịch vụ miễn phí sang dịch vụ VOD có thu phí thì lượng người dùng dịch vụ VOD tăng chậm trong 4 năm tới là có thể hiểu được. “Việc chuyển dịch từ miễn phí sang có phí sẽ mất nhiều thời gian và gặp khó khăn nhưng tiềm năng của thị trường VOD ở Việt Nam là rất lớn”, ông Giản nhấn mạnh.

Lợi thế nội dung bản địa để cạnh tranh với Netflix, iFlix

Khi được hỏi về miếng bánh thị phần VOD hiện nay, ông Giản cho rằng, với việc người dùng rất dễ dàng truy cập các trang web lậu như hiện nay thì thị phần các trang web lậu vẫn đang lớn nhất, khi mà người dùng có thể tìm kiếm những bộ phim vừa chiếu rạp hay thậm chí chưa chiếu rạp trên các website này.

Còn các đối thủ nước ngoài như Netflix và iFlix, do có sức mạnh rất lớn về tài chính cũng như nội dung nên họ đang có những lợi thế nhất định. Chính vì thế, không ít người dùng cao cấp đang sử dụng những nội dung của Netflix. Đổi lại, các doanh nghiệp Việt như Clip TV, BHD hay Galaxy đang có những lợi thế về nội dung bản địa như chèo, cải lương hay phim Việt chiếu rạp, những thứ mà Netflix sẽ phải mất nhiều thời gian để đầu tư. 

Cũng theo ông Giản, bên cạnh tiềm năng thị trường, những đơn vị kinh doanh dịch vụ VOD ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn để phát triển dịch vụ. Cụ thể, khi chấp nhận làm bản quyền thì các đơn vị nội dung sẽ phải bỏ ra khoản đầu tư rất lớn, thậm chí ngay cả Netflix cũng bỏ ra gần 6 tỷ USD tiền mua bản quyền trong năm 2016 và tăng lên 8 tỷ USD vào năm 2017. Chưa kể đến, chi phí đầu tư công nghệ gồm công nghệ bảo vệ bản quyền DRM (khoảng 1 triệu USD) và chi phí hạ tầng, công nghệ livestreaming… “Cuối cùng, thách thức lớn nhất vẫn là  việc thay đổi thói quen người dùng, khi mà trước giờ họ có vẫn có thói quen xem miễn phí mà giờ phải chấp nhận việc thu phí”, ông Giản nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, thị trường VOD có bản quyền ở Việt Nam còn đang chập chững khai phá thị trường nên phần lớn người dùng Việt vẫn đang cân nhắc các dịch vụ nên tiềm năng của dịch vụ này là rất lớn, nhất là đối tượng hộ gia đình.

Cần có chế tài mang tính răn đe để bảo vệ đơn vị VOD bản quyền

Bên cạnh việc cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại như Netflix, iFlix, việc bảo vệ bản quyền trước các trang web lậu cũng là trăn trở của doanh nghiệp nội.

Đại diện BHD và Galaxy cho rằng, trong những năm qua, các cơ quan chức năng và Hiệp hội Điện ảnh Mỹ đã có những động thái mạnh mẽ nên số lượng phim Mỹ đã giảm hẳn trên các trang web lậu vì không thể nào “ăn trộm” thường xuyên và lâu dài. Tuy nhiên, chế tài xử lý việc vi phạm bản quyền ở Việt Nam chưa đủ mạnh, chưa mang tính răn đe để bảo vệ các nhà cung cấp phim có bản quyền khi hình thức xử phạt chủ yếu là phạt hành chính. “Các dịch vụ phim lậu giống như bà bán hàng rong ngoài vỉa hè, khi thấy công an đuổi thì chạy sang vỉa hè khác để bán. Vì thế, chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hơn đến vấn đề vi phạm bản quyền. Với những hành vi vi phạm lặp đi, lặp lại nhiều lần như một số site phim “lậu” hiện nay thì cần có các chế tài xử lý nghiêm và tăng hình thức xử phạt”, đại diện BHD và Galaxy nhấn mạnh.

Còn theo ông Giản, các trang web “lậu” sẽ giảm trong thời gian tới nhưng không thể bị triệt tiêu, kể cả ở Mỹ thì hàng năm doanh thu từ các site phim lậu cũng lên hơn 200 triệu đô la (nguồn Forbes VN). Nhưng với chính sách rất cứng rắn của nhà nước, phối hợp với các nhà mạng viễn thông thì việc xử lý và hạn chế các dịch vụ này là thực sự khả thi. “Như tại Hàn Quốc, dù có các trang web lậu thì đa phần người dân vẫn xem các trang web có bản quyền vì xem phim lậu sẽ phải mất nhiều thời gian, coi chậm và khó khăn hơn. Hay tại Mỹ, các đơn vị cung cấp bản quyền đều hợp tác với nhà mạng viễn thông, khi phát hiện người dùng truy cập các trang web xem phim lậu thì sẽ có thông báo, nếu vi phạm sẽ cắt dịch vụ hay có chế tài xử phạt”, ông Giản dẫn chứng.