Xu hướng truyền hình trực tuyến, VOD sẽ tăng mạnh trong thời gian tới

Theo số liệu của Statista, doanh thu thị trường VOD (Video theo yêu cầu) của Việt Nam cuối năm nay sẽ đạt 13 triệu USD, trong đó doanh thu đến từ thuê bao SVoD khoảng 10 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm là 22,1%, cao hơn gần 3 lần so với tốc độ trung bình của thế giới và sẽ đạt 31 triệu USD vào năm 2021.

Mức độ dân số sử dụng dịch vụ VOD sẽ vào khoảng 3,3% vào năm 2017 và dự kiến tăng lên mức 5,9% vào năm 2021. Tuy nhiên, doanh thu trung bình của mỗi thuê bao Việt Nam (ARPU) đang thấp hơn mức trung bình của thế giới gần 10 lần, chỉ đạt khoảng 5,78 USD.

Thị trường truyền hình trực tuyến OTT, VOD có bản quyền ở Việt Nam năm 2017 đã chứng kiến cuộc chơi của rất nhiều các nhà cung cấp dịch vụ VOD  bản quyền từ những hãng cung cấp, phân phối phim lớn ở Việt Nam như BHD, Galaxy cho đến các công ty công nghệ như VNG (Zing TV), Vega (Clip TV) hay thậm chí cả doanh nghiệp nước ngoài như iFlix.

Lý giải cho quyết định tham gia cuộc chơi truyền hình trực tuyến OTT, VOD bản quyền, ông Phan Thanh Giản, Giám đốc Clip TV cho biết, trước hết về xu hướng truyền hình OTT sẽ là tất yếu trong tương lai và là công ty công nghệ Vega xác định Clip TV là một dự án cần đầu tư dài hơi và nghiêm túc. Thị trường nội dung phim, truyền hình trực tuyến tại Việt Nam vô cùng phức tạp với sự thống trị của các dịch vụ không bản quyền còn người dùng quá dễ dàng tìm kiếm và xem những bộ phim bom tấn với chất lượng rất cao, trong khi các dịch vụ có bản quyền nhất là trong nước thì vấp phải vô số khó khăn, đặc biệt là về giá cả và quyền được mua những nội dung này. Ví dụ, với những bộ phim bom tấn theo quy trình thì phải sau hơn 1 năm các nhà sản xuất mới bán cho các dịch vụ SVOD nhưng thông thường là các công ty nước ngoài giàu tiềm lực tài chính đã mua toàn quyền nên các công ty Việt Nam chưa chắc mua được những nội dung đấy thậm chí dù phải trả rất đắt.

"Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, cơ quan nhà nước đang hỗ trợ và tập trung rất mạnh vào việc xử lý dần các dịch vụ vi phạm, đồng thời ý thức người xem ngày một nâng cao, dịch vụ và sản phẩm của các công ty cung cấp có bản quyền ngày một tốt hơn thì việc đầu tư vào bản quyền là một sự đầu tư cho tương lai. Các đối tác Hollywood đánh giá Clip TV là 1 trong top 3 đơn vị phân phối nội dung VOD có bản quyền tốt nhất tại Việt Nam", ông Giản cho biết thêm.

Còn theo đại diện BHD (đơn vị sở hữu dịch vụ xem phim Danet) và Galaxy (sở hữu Fim Plus), ở các nước trên thế giới, trong cơ cấu doanh thu một bộ phim, tỷ lệ đóng góp của phim chiếu rạp chỉ chiếm từ 30% - 50%, còn 50% - 70% còn lại sẽ thuộc về những lĩnh vực khác như tivi, truyền hình trả tiền, xem phim theo yêu cầu… Do đó, nếu ở Việt Nam chỉ hi vọng một bộ phim có lãi từ hệ thống rạp phim sẽ rất khó. Chính vì thế, việc ra mắt dịch vụ xem phim bản quyền như Danet, FimPlus cũng là một cách để tăng thêm doanh thu cho các bộ phim điện ảnh ở Việt Nam.

Các dịch vụ xem phim “lậu” sẽ giảm trong thời gian tới

Đại diện BHD và Galaxy cho rằng, trong những năm qua, các cơ quan chức năng và Hiệp hội Điện ảnh Mỹ đã có những động thái mạnh mẽ nên số lượng phim Mỹ đã giảm hẳn trên các trang web lậu vì không thể nào “ăn trộm” thường xuyên và lâu dài. Tuy nhiên, chế tài xử lý việc vi phạm bản quyền ở Việt Nam chưa đủ mạnh, chưa mang tính răn đe để bảo vệ các nhà cung cấp phim có bản quyền khi hình thức xử phạt chủ yếu là phạt hành chính. “Các dịch vụ phim lậu giống như bà bán hàng rong ngoài vỉa hè, khi thấy công an đuổi thì chạy sang vỉa hè khác để bán. Vì thế, chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hơn đến vấn đề vi phạm bản quyền. Với những hành vi vi phạm lặp đi, lặp lại nhiều lần như một số site phim “lậu” hiện nay thì cần có các chế tài xử lý nghiêm và tăng hình thức xử phạt”, đại diện BHD và Galaxy nhấn mạnh.

Khi được hỏi về thời gian hòa vốn đầu tư, đại diện 2 đơn vị này đều tỏ ra thận trọng và cho rằng, sẽ phải mất nhiều thời gian để thuyết phục người dùng cũng như cơ quan quản lý thực thi các biện pháp đẩy lùi các trang web chiếu phim lậu.  "Hi vọng sau 3 năm thị trường phim ảnh trực tuyến có bản quyền sẽ thay đổi mạnh mẽ để có thể hòa vốn cho Danet và Fim Plus”, đại diện BHD và Galaxy nhận định.

Còn theo ông Giản, các trang web “lậu” sẽ giảm trong thời gian tới nhưng không thể bị triệt tiêu, kể cả ở Mỹ thì hàng năm doanh thu từ các site phim lậu cũng lên hơn 200 triệu đô la (nguồn forbes VN). Nhưng với chính sách rất cứng rắn của nhà nước, phối hợp với các nhà mạng viễn thông thì việc xử lý và hạn chế các dịch vụ này là thực sự khả thi. Về phim bản quyền, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ bản quyền trong nước, tuy thua thiệt về nội dung đối với các site lậu và nhà cung cấp nước ngoài nhưng việc đầu tư nghiêm túc về các nội dung ngách, nội dung bản địa và sản phẩm, dịch vụ ngày càng được nâng cấp đảm bảo cho khách hàng có sự trải nghiệm tốt nhất. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ về chính sách nhà nước đối với các doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh sòng phẳng với các dịch vụ xuyên biên giới thì vài năm nữa thị trường phim bản quyền sẽ là sự lựa chọn số một của khách hàng với mức phí chấp nhận được.

Về mục tiêu của mình, ông Giản chia sẻ, trong năm 2017, Clip TV dồn toàn bộ để phát triển và tối ưu sản phẩm nhằm giúp cho khách hàng có những trải nghiệm tốt nhất đồng thời triển khai các hoạt động ​truyền thông ​marketing​ để tạo nhận diện, tạo cơ hội trải nghiệm sản phẩm dịch vụ, từ đó khách hàng biết​ đến, yêu mến và sử dụng dịch vụ nhiều hơn. “Với Clip TV, chúng tôi xác định sẽ tập trung đường dài và xác định đầu tư nghiêm túc từ 3-5 năm tới”, ông Giản nói.