Trong buổi làm việc giữa Đoàn giám sát Quốc hội về Hội nhập kinh tế do Uỷ viên Ban Chấp hành TW Đảng Nguyễn Văn Giàu dẫn đầu với Bộ TT&TT vào chiều 11/8, ngoài việc trình bầy những thành tựu đã làm được của lĩnh vực CNTT và Truyền thông nước nhà, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 cho đến này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cũng đã chia sẻ một số những thông tin khá nóng.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, mặt CNTT và Bưu chính Viễn thông thì chúng ta yên tâm vì các doanh nghiệp trong lĩnh vực này làm chủ hoàn toàn trận địa.

Sau WTO, có 3 liên doanh giữa nước ngoài và Việt Nam trên lĩnh vực viễn thông đó là Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài gòn (SPT) và SK Telecom (bắt đầu cung cấp dịch vụ từ năm 2003); liên doanh giữa Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Toàn cầu Gtel Mobile và VimpelCom; Liên doanh giữa Hanoi Telecom và Hutchinson Telecom của Hong Kong

Tuy nhiên, hiện hai liên doanh đầu tiên đã tan rã và chỉ còn liên doanh giữa Hanoi Telecom và Hutchinson Telecom còn tồn tại, nhưng thị phần nhỏ.

Về việc tan rã các liên doanh nói trên, Thứ trưởng cho rằng, do các doanh nghiệp Việt Nam quá mạnh khi chuyển đổi. Thêm nữa, điều mà các doanh nghiệp nước ngoài mong đợi nhất không phải là kiếm lời từ liên doanh, mà họ đang muốn doanh nghiệp Việt Nam cổ phần hoá để nhảy vào mua cổ phần chiếm lĩnh.

Đối với doanh nghiệp mạnh về CNTT, Thứ trưởng đề cao FPT là doanh nghiệp mạnh đúng nghĩa, trong khi các doanh nghiệp khác quy mô còn quá nhỏ, mặc dù tiềm lực mạnh nhưng chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp so sánh được với nước ngoài.

Về vấn đề thách thức đối với phát triển kinh tế, sau WTO, các vòng Đàm phán Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đều yêu cầu mở OTT, đây là công nghệ mới thách thức các nhà mạng hiện nay và là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT ở nước ngoài, họ lại không có trách nhiệm ở Việt Nam, đây là một vấn đề khó trong công tác quản lý.

OTT đã gây thất thu cho các nhà mạng, do có thể dùng dịch vụ này để nhắn tin hay gọi điện miễn phí giữa các thuê bao, với điều kiện các thuê bao phải được nối mạng. Thêm nữa, Việt Nam còn là đất nước có “quá nhiều Wi-Fi miễn phí”, trong khi giá cước 3G đang thuộc loại rẻ nhất thế giới tạo điều kiện cho OTT phát triển.

Hiện giá cước 3G trọn gói theo tháng của MobiFone, Viettel và VinaPhone trung bình khoảng 70.000 đồng/tháng với dung lượng tốc độ cao khoảng 600Mb, nếu quá dung lượng sẽ giới hạn tốc độ truy cập.

"Trong một thời gian dài, giá cước 3G giảm ồ ạt, xiết lại Wi-Fi, tăng giá 3G thì xã hội phản ứng mạnh, về lâu dài chúng ta không có siết lại, cạnh tranh quá mức sẽ kiệt quệ”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng hệ lụy của việc giá 3G quá thấp, cộng với việc thất thu từ các dịch vụ truyền thống sẽ khiến doanh nghiệp đuối, có thể khiến doanh nghiệp mất cạnh tranh, bị thôn tính và gây ra tình trạng độc quyền trong kinh doanh, ảnh hưởng đến người dùng.