Mạng xã hội Facebook vừa giới thiệu nền tảng không dây nguồn mở mới, OpenCellular, cung ứng cả phần cứng và phần mềm để thiết lập các mạng di động quy mô nhỏ. Mục đích của OpenCellular là cho phép những vùng nghèo nhất trên thế giới cũng có thể online bằng điện thoại.

Dù điện thoại dần trở nên phổ biến tại các thị trường đang phát triển, tiếp cận dữ liệu di động lại khá hiếm. Thay vào đó, mọi người có xu hướng phụ thuộc vào SMS nhiều hơn. Tất nhiên, ngay cả các nước phương Tây phát triển cũng tồn tại vô số địa điểm khó truy cập mạng.

OpenCellular là kế hoạch của Facebook để giải quyết vấn đề này. Đây là nỗ lực đầu tiên của mạng xã hội trong việc tạo ra các điểm truy cập mạng không dây rẻ hơn tại vùng sâu vùng xa. Bộ kit của Facebook bao gồm phần cứng điều khiển cơ bản và chip radio bên trong một hộp nhựa rẻ tiền, thứ sau đó được gắn vào vật gì đó, chẳng hạn một cái cây, cột đèn hay bất kỳ vật thể cao nào.

Hệ thống không yêu cầu “backhaul” (phần kết nối từ nhà cung cấp đến BTS - trạm thu phát - và giữa các BTS với nhau). Phần cứng vẫn có thể cho phép nội vùng liên lạc với nhau chứ không phải với phần còn lại của thế giới. Cho đến nay, các thử nghiệm cho thấy phần cứng được dùng để gửi, nhận SMS, gọi thoại và dữ liệu qua kết nối 2G. Song Facebook tuyên bố đang nỗ lực để bảo đảm OpenCellular có thể hỗ trợ mạng LTE. Theo thời gian, công ty sẽ thiết kế để hệ thống miễn phí hoàn toàn.

OpenCellular thuộc sáng kiến lớn do Facebook đứng đầu, Telecom Infra Project, tập hợp các "ông lớn" viễn thông như Deutsche Telekom, SK Telecom, Intel, Nokia nhằm thiết kế và phát triển loại thiết bị mạng không dây mới. Dự án cũng đang theo đuổi 5G và Wi-Fi công cộng siêu nhanh.

Facebook về bản chất không muốn “nhảy” vào cung cấp thiết bị. Tất cả đều nằm trong chiến lược dài hơi của công ty: nhiều kết nối hơn đồng nghĩa nhiều thuê bao hơn và sau cùng là nhiều người dùng Facebook hơn.