Đại diện FPT Play đề nghị nhà nước có biện pháp quản lý dịch vụ OTT không phép. Nguồn ảnh: FPT

Trước xu thế các dịch vụ truyền hình OTT giá rẻ bắt đầu ra thị trường cho thấy giá cước dịch vụ truyền hình sẽ ngày càng giảm xuống. Trao đổi với ICTnews về việc nhà nước ban hành chính sách để quản lý dịch vụ truyền hình OTT theo hướng nào, đại diện FPT Telecom đề nghị, nhà nước cần có quy định rõ ràng và xử lý mạnh với các dịch vụ không được cấp phép, các thiết bị đầu thu Android TV Box không rõ nguồn gốc. Với các dịch vụ OTT, Smart TV đang phát triển nên rất cần có chính sách quản lý tập trung, đặc biệt các đơn vị đang cung cấp nội dung trên các nền tảng OTT xuyên biên giới.

“Các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước đang rất cần một sân chơi sòng phẳng, đủ khả năng để cạnh tranh với những đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ nước ngoài kinh doanh xuyên biên giới này, khi được cơ chế ưu đãi tốt thì các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn tự tin có thể chiến thắng trên sân nhà”, đại diện FPT Telecom phát biểu.

Bên cạnh đó, đại diện FPT Telecom đề xuất, nhà nước cần áp dụng các chính sách quản lý giá cước và khuyến mại để các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cạnh tranh nhau bằng chất lượng dịch vụ và những nội dung thế mạnh của từng đơn vị phù hợp với từng nhóm khách hàng. Từ đó giúp các đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền sẽ phải có chiến lược dài hơi hơn, và sẽ đầu tư vào những nội dung chất lượng hơn để phục vụ khách hàng

Liên quan đến quản lý dịch vụ nội dung trên mạng, theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử những năm gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng (app) lậu bán dịch vụ nội dung qua các box Android TV. Việc kinh doanh, mua bán các box này khá dễ dàng, người dùng chỉ cần mua box về gắn vào tivi và Internet là có thể vào app xem thoải mái các nội dung trong đó có nhiều nội dung lậu, nội dung không có bản quyền. Một số loại Smart TV cũng cài đặt nhiều app lậu cung cấp các nội dung mà theo quy định của nhà nước Việt Nam là phải xin được cấp phép.

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, sẽ phối hợp với các Sở TT&TT để quản lý các nội dung lậu cung cấp trên mạng xã hội, trên các app. Trong đó, sẽ phối hợp với các hãng tivi để gỡ bỏ những nội dung lậu. Đối với các Android TV Box sẽ phối hợp cơ quan quản lý thị trường, các sàn thương mại điện tử để quản lý box lậu. Phải có biện pháp để ngăn chặn các đơn vị kinh doanh không được bán box có cung cấp nội dung lậu nữa.

Bà Trương Nguyễn Thu Hà, CEO Fim+ cũng đưa ra đề nghị, nhà nước có một hành lang pháp lý rõ ràng và công bằng cho các dịch vụ OTT. Bởi vì hiện nay các dịch vụ OTT nội địa phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về nhập khẩu nội dung, kiểm duyệt nội dung để đưa lên dịch vụ. Trong khi các dịch vụ OTT nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, hoàn toàn không cần tuân thủ các quy định này, cũng không hề đóng thuế cho doanh thu phát sinh tại Việt Nam. Điều này dẫn tới giới hạn khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các dịch vụ quốc tế ngay trên thị trường nhà.

Ở Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi cho dịch vụ OTT, với độ phủ Internet và số người dùng Internet lớn, giải trí online là một xu thế tất yếu, và hiện thời thị trường còn rất mới và rất tiềm năng. "Phim" là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm 2018. Điều này cho thấy sự quan tâm đến yếu tố giải trí, đặc biệt là phim ảnh đang tăng dần trong xã hội.

Tuy nhiên, việc chưa có một chính sách để quản lý chặt chẽ các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới từ nước ngoài vào Việt Nam, cũng như các app cung cấp dịch vụ nội dung lậu, nội dung vi phạm bản quyền đã ảnh hưởng tới những nhà cung cấp dịch vụ OTT làm ăn nghiêm chỉnh và tuân thủ pháp luật.