{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố kế hoạch "Clean Network". Ảnh: Getty Images

Tháng 8 năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố kế hoạch “Clean Network” (Mạng sạch), kêu gọi loại bỏ các hãng viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ đám mây và ứng dụng xuất xứ Trung Quốc khỏi Mỹ. Không chỉ có vậy, Mỹ còn gây sức ép lên đồng minh để cấm Huawei khỏi mạng 5G vì lý do bảo mật. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi tất cả các nước “yêu tự do” tham gia.

Theo báo Yomiuri của Nhật Bản, ông Pompeo đã nhắc tới “Clean Network” khi gặp người đồng cấp Toshimitsu Motegi tại Tokyo đầu tháng này. Tuy nhiên, Tokyo thông báo không thể tham gia vào kế hoạch loại trừ một quốc gia cụ thể nào. Theo Yomiuri, Nhật Bản có kế hoạch riêng để xử lý lo ngại liên quan tới vấn đề bảo mật trong khi vẫn hợp tác với Mỹ. Nước này sẽ cân nhắc nếu có thay đổi.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết Mỹ đã nói về nỗ lực an ninh mạng nói chung trong cuộc họp giữa hai Ngoại trưởng. Ông khẳng định Nhật Bản muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng với Mỹ.

Trước đó, Yonhap News đưa tin Mỹ đã nhắc đến chiến dịch “Clean Network” trong cuộc đàm phán kinh tế cấp cao với Hàn Quốc ngày 14/10. Đây là một trong các chương trình nghị sự được thảo luận trong Đối thoại Kinh tế cấp cao (SED) lần thứ năm do Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lee Tae Ho và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach dẫn đầu.

Quan chức Hàn Quốc trả lời phóng viên rằng cả hai bên đều đưa ra lập trường của mình về vấn đề. “Nó không phải cuộc thảo luận mà một bên đòi hỏi bên kia loại trừ cụ thể ai hay cái gì, mà chúng tôi nói về tầm quan trọng của Clean Network và những vấn đề được Mỹ yêu cầu”.

Bộ Ngoại giao Mỹ gọi các nhà mạng SK Telecom, KT là nhà mạng “sạch” vì không sử dụng Huawei, đồng thời kêu gọi LG Uplus ngừng dùng thiết bị Huawei. Song Seoul duy trì quan điểm rằng các công ty có quyền quyết định công nghệ triển khai và chính phủ không thể can thiệp vào quá trình ra quyết định của doanh nghiệp tư nhân.

Vị quan chức cho hay: “Chúng tôi làm rõ rằng một hãng viễn thông tư nhân sử dụng thiết bị của doanh nghiệp nào là tùy thuộc vào họ. Dù vậy, xét tới rủi ro bảo mật nói chung của công nghệ 5G trên thị trường viễn thông, chúng tôi đồng ý hợp tác chặt chẽ với Mỹ về các vấn đề công nghệ”.

Mạng lưới thịnh vượng kinh tế (EPN), sáng kiến của Mỹ nhằm chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu ra ngoài Trung Quốc, không nằm trong đối thoại ngày 14/10.

Du Lam (Theo Yonhap, Reuters)

Huawei là công ty điện tử tiêu dùng giá trị nhất Trung Quốc

Huawei là công ty điện tử tiêu dùng giá trị nhất Trung Quốc

5 trong số 10 các công ty điện tử tiêu dùng giá trị nhất Trung Quốc là nhà sản xuất smartphone. Trong đó, Huawei đứng đầu bất chấp phải chịu nhiều lệnh cấm vận từ Mỹ.