{keywords}
Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam Trần Đức Lai thông tin với báo chí tại sự kiện giới thiệu chương trình bình chọn danh hiệu "Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu" năm 2021.

Chương trình bình chọn danh hiệu “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu” năm 2021 do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) phối hợp với Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam (REV), Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức.

Là sự kiện thường niên được tổ chức từ năm 2017, chương trình bình chọn danh hiệu “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu”, nhằm mục đích tìm kiếm và tôn vinh những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có hoạt động xuất sắc và nhận được sự hài lòng, tín nhiệm của khách hàng trong năm.

Một điểm mới của chương trình năm nay là việc bổ sung hạng mục giải thưởng “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu về Chất lượng dịch vụ điện toán đám mây”. Hạng mục giải thưởng mới này hướng tới đối tượng là các đơn vị cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, dự kiến Hội đồng Cố vấn bình chọn chương trình cũng sẽ công bố các hạng mục khác của giải thưởng gồm: “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu về Chất lượng dịch vụ băng thông rộng di động”; “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu về Chất lượng chăm sóc khách hàng băng thông rộng di động”; “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu về Chất lượng dịch vụ băng thông rộng cố định”; “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu về Chất lượng chăm sóc khách hàng băng thông rộng cố định”.

Ông Lê Thanh Tâm, Chủ tịch IDG Việt Nam cho biết, các giải thưởng trên sẽ được bình chọn dựa trên kết quả điều tra xã hội học về sự hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ đối với nhà cung cấp dịch vụ cho mình.

Nội dung khảo sát, đánh giá là các câu hỏi hướng về mức độ hài lòng của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ viễn thông mà họ được cung cấp. Khách hàng sẽ trả lời mỗi câu hỏi này theo 5 thang mức độ hài lòng là: Hoàn toàn không hài lòng, Không hài lòng, Bình thường, Hài lòng và Hoàn toàn hài lòng.

Dự kiến được thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong thời gian từ ngày 10/1 đến 20/3/2021, khảo sát sẽ được thực hiện với số lượng mẫu tối thiểu là 8.000 mẫu cho mỗi loại dịch vụ băng thông rộng di động hay cố định. Số lượng mẫu khảo sát của mỗi nhà mạng sẽ tương ứng với thị phần của các nhà mạng. Người sử dụng sẽ được hỏi ngẫu nhiên, có phân chia theo giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp và thu nhập.

Chia sẻ tại họp báo ngày 8/1/2021 giới thiệu chương trình bình chọn năm nay, ông Trần Đức Lai, Chủ tịch REV nhận định, lĩnh vực viễn thông đang phát triển rất nhanh.

“Giải thưởng này 2021 được bình chọn dựa trên đánh giá của người dùng. Việc bình chọn phù hợp với xu thế của thế giới và Ban tổ chức chương trình sẽ có báo cáo để các cơ quan nhà nước có thể tham khảo, từ đó nghiên cứu điều chỉnh chính sách phù hợp với người dân, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt hơn cho người dân”, ông Lai cho hay.

Nhấn mạnh ý nghĩa cộng đồng của chương trình, đại diện REV chia sẻ, được bình chọn dựa trên kết quả điều tra, khảo sát xã hội học của IDG đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông, thực chất, đây giải thưởng do người sử dụng trao tặng cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, đánh giá sự hài lòng của người dùng với nhà cung cấp dịch vụ cho mình.

“Giải thưởng này không có phương tiện kỹ thuật, phương tiện đo đạc mà đều dựa trên trải nghiệm, đánh giá của người sử dụng thông qua đánh giá của người sử dụng. Đánh giá từ người sử dụng dịch vụ là một kênh thông tin quan trọng và có ý nghĩa đối với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông”, đại diện REV nhận xét. 

Lễ công bố kết quả Chương trình bình chọn danh hiệu “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu năm 2021”, dự kiến được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện Hội thảo và Triển lãm World Mobile Broadband & ICT có chủ đề “Phát triển 5G & Hạ tầng băng thông rộng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam” sẽ diễn ra ngày 24/3 tới tại Hà Nội.

Vân Anh

Doanh nghiệp Việt đặt mục tiêu chiếm 50% thị trường điện toán đám mây trong nước

Doanh nghiệp Việt đặt mục tiêu chiếm 50% thị trường điện toán đám mây trong nước

Công nghệ mở sẽ là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp sở hữu những nền tảng điện toán đám mây “Make in Việt Nam” mở rộng thị trường, hướng tới mục tiêu nắm giữ 50% “miếng bánh” dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam.