Nguyên nhân chính là chúng ta đã làm bẩn bóng đá. Biến một môn thể thao đẹp đẽ, cao thượng, đầy sức mạnh và sự khéo léo thành một loại bi hài kịch... hổ lốn.

Sau phát biểu gây sốc của ông Nguyễn Đức Kiên tại Hội nghị tổng kết mùa giải bóng đá Việt Nam 2011, từ "sạch" được báo chí nhắc đến thường xuyên. Nhiều người bày tỏ mong muốn có bước chuyển biến mạnh mẽ, rõ ràng trong việc tổ chức, điều hành hoạt động bóng đá. Không những thế, người ta còn mong muốn khát vọng "sạch"làm cho con người sống đàng hoàng hơn.

Ai làm "bẩn" bóng đá Việt?

Bóng đá được xem là môn thể thao vua. Có lẽ hơn một nửa dân số trên trái đất say mê bóng đá. Kỳ lạ là bóng đá Việt Nam rất... lẹt đẹt, xếp hạng thứ 129 gì đó, nhưng tình yêu bóng đá của người Việt Nam được xếp vào loại nhất nhì, ngang ngửa với dân Brazil và một vài dân tộc khác...

Ngày nay, bóng đá đã trở thành một phần quan trọng của cuộc sống.Ở Brazil người ta đã làm điều tra và chỉ ra rằng, khi đội tuyển bóng đá quốc gia chiến thắng, năng suất lao động của cả nước tăng lên đáng kể. Còn khi đội tuyển thua, năng suất lao động giảm, tai nạn lao động tăng. Rất may là đội tuyển bóng đá Brazil thường xuyên thắng.

Đội tuyển bóng đá Brazil giàu thành tích (5 lần vô địch thế giới), là đội duy nhất được tham dự cả 19 lần thế giới tổ chức giải. Đội bóng này chơi hay tới mức người ta đã nói: "Người Anh sáng tạo ra môn bóng đá, và người Brasil đã hoàn thiện nó".

Nhưng Brazil không phải là quốc gia có nền bóng đá mạnh nhất ngay từ trước. Giải vô địch thế giới lần đầu tiên tổ chức năm 1930, mãi tới năm 1958, tại giải lần thứ 6, Brazil mới giành được chức vô địch lần đầu tiên. Nhưng sự kiện vào loại quan trọng nhất đối với bóng đá Brazil xẩy ra ở lần thứ 4 mà Brazil là nước chủ nhà.

Brazil lọt vào tới trận chung kết, đối thủ là Uruguay. Người Brazil, ai cũng đinh ninh là đội mình sẽ trở thành nhà vô địch, pháo hoa đã được bố trí sẵn để ăn mừng. Nhưng đội vô địch năm đó lại là ... Uruguay. Người Brazil bị tổn thương nặng nề.

Chỉ thua một trận bóng đá nhưng cả nước Brazil như rơi vào một đại họa, hàng triệu người khóc lóc, rầu rĩ. Có một cậu bé 9 tuổi cũng khóc cạn nước mắt, nhưng lại tràn đầy quyết tâm. Cậu lầm lũi đi trong đêm và thầm hứa sẽ chơi bóng thật giỏi để giúp đội Brazil chiến thắng. Đó chính là "Vua bóng đá" Pele!

Năm 1998, đội tuyển bóng đá Việt Nam cũng lọt vào trận chung kết Giải vô địch Đông Nam Á. Chúng ta cũng là đội chủ nhà, được chơi trên sân Hàng Đẫy. Đối thủ của chúng ta chỉ là Singapore nên ai cũng nghĩ ta sẽ chiến thắng, nhưng đội nâng cao Cúp vô địch năm đó lại là Singapore. Chua xót làm sao?

Có nhà doanh nghiệp đã nghĩ tới cách nâng tầm bóng đá Việt Nam từ đó. Tiền bạc đã được đổ vào, cầu thủ, huấn luyện viên nước ngoài cũng được mời tới, nhưng bóng đá Việt Nam vẫn chưa "cất cánh". Nguyên nhân vì đâu?

Ông Nguyễn Đức Kiên đã thẳng thắn chỉ ra: Chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm, chức tước cao trong Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã làm "bẩn" bóng đá. Nhiều người cũng đồng ý với ý kiến này. Một khi nền bóng đá đã nhiễm bẩn thì không thể phát triển tốt được.

Tình yêu bóng đá của người Việt Nam được xếp vào loại nhất nhì

"Trận ngày mai, bọn em phải... thua"(?)

Đã có những lúc bóng đá Việt Nam sạch sẽ, cuốn hút hàng triệu khán giả tới sân. Mấy chục năm trước, tôi đã chứng kiến hình ảnh một người đàn ông cởi phăng cái đồng hồ Nhật trên tay để đổi lấy cái vé vào sân Hàng Đẫy xem bóng đá.

Ấy vậy mà bây giờ các sân cỏ của ta vắng hoe, kể cả những trận Đội tuyển Việt Nam thi đấu.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chính là chúng ta đã làm bẩn bóng đá. Biến một môn thể thao đẹp đẽ, cao thượng, đầy sức mạnh và sự khéo léo thành một loại bi hài kịch... hổ lốn.

Tôi là người Nghệ nên ít nhiều quan tâm đến đội bóng Sông Lam. Tôi buồn nhiều hơn vui. Một lần cách đây khá lâu, khi cầu thủ Phạm Văn Quyến mới bắt đầu nổi, tôi đến Khách sạn Kim Liên và tình cờ gặp Quyến. Tôi hỏi: "Chiều nay đá thế nào? Quyết tâm thắng chứ?". Quyến: "Để cháu đi hỏi các chú đã!".

Rất nhiều người đã lên tiếng phanh phui cái bẩn của bóng đá Việt Nam. Tựu trung là những quan chức quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam kém cỏi, để cho đồng tiền, cho bệnh thành tích thao túng nền bóng đá, khiến bóng đá mất đi vẻ đẹp đích thực của nó.

Còn trước đấy mấy năm, một cầu thủ tầm cỡ (có thời mang băng đội trưởng) của SLNA đến chỗ tôi chơi. Trong câu chuyện, cậu ta nói: "Em rất muốn mời anh ra sân xem bọn em thi đấu, nhưng trận ngày mai, bọn em phải thua nên không dám mời".

Chỉ cần thông qua vài sự việc như thế, tôi hiểu là bóng đá Việt Nam đã bị những người có chức, có quyền lũng đoạn.

Bao nhiêu năm người ta nói về cái bẩn của bóng đá, nhưng chỉ nói ở quán nước hay trên báo. Còn vừa rồi ông Kiên nói trực diện ngay tại Hội nghị của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Rất nhiều người đã lên tiếng phanh phui cái bẩn của bóng đá Việt Nam. Tựu trung là những quan chức quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam kém cỏi, để cho đồng tiền, cho bệnh thành tích thao túng nền bóng đá, khiến bóng đá mất đi vẻ đẹp đích thực của nó.

Vì vậy, thay vì được xem những trận bóng đá trung thực, gay cấn, căng thẳng, đẹp mắt; người hâm mộ thường phải chứng kiến những màn kịch vụng về. Điều này khiến nhiều người chán nản, không xem bóng đá Việt Nam nữa, chỉ xem bóng đá của nước ngoài qua truyền hình. Điều này đáng buồn và đáng lo.

Thật vui khi có người dũng cảm và thẳng thắn nói lên khát vọng "sạch", nhưng niềm vui chưa trọn vẹn khi thấy các quan chức bóng đá ú ớ thanh minh. Sau những lời thanh minh của họ vẫn ẩn chứa những... âm mưu.

Nhưng có vẻ những người yêu cái sạch lần này rất kiên quyết. Họ được sự cổ vũ của đông đảo quần chúng nên quyết tâm làm cuộc "cách mạng sạch" trong bóng đá. Tuy nhiên, lòng quyết tâm là rất đáng quý, nhưng để có thành công thực thụ, phải có sự hiểu biết và sự công tâm. Trong thể thao, có thể coi đó là "tinh thần thượng võ".

Các đại gia "chơi bóng đá" vẫn thiếu một chút cao ngạo

Tôi rất hoan nghênh, thậm chí là biết ơn một số nhà doanh nghiệp lớn (thường được gọi là đại gia), như ông Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Nguyên Đức, Đỗ Quang Hiển, Võ Quốc Thắng, Lê Tiến Anh... Họ đã bỏ rất nhiều tiền vào bóng đá.

Những người này và nhiều người có tiền khác nữa yêu bóng đá nồng nhiệt, không tiếc tiền. Nhưng tôi cũng xin nói thẳng là họ vẫn thiếu một chút cao ngạo trong cách tiêu tiền cho bóng đá! Hơn nữa, họ là những thương gia tài năng nhưng lại không biết quý trọng thương hiệu đã nổi tiếng trong bóng đá Việt Nam.

Tại sao người ta thay đổi tên gọi của đội bóng đó một cách vô tội vạ, không giữ thương hiệu, không giữ truyền thống, không tôn trọng màu cờ sắc áo của từng đội bóng? Cần phải hiểu rằng, bóng đá là của chính những người hâm mộ, mà người hâm mộ thường có đội bóng cụ thể để gắn tình yêu vào đó.

Nhiều người suốt đời chỉ yêu một đội bóng, sống hết mình vì nó dù nó vô địch hay bị xuống hạng. Thế mà bây giờ tên các đội bóng bị thay đổi xoành xoạch, biết đặt tình yêu vào đâu?

Rất mong những đại gia yêu bóng đá nhiệt tình, bỏ ra nhiều tiền để nâng tầm bóng đá, suy nghĩ cho thấu đáo. Tại sao cứ bắt đội bóng đá mà mình là chủ phải thay tên? Trên thế giới người ta có làm thế đâu? Ví dụ, tỷ phú người Nga Abramovich bỏ tiền ra mua đội bóng Chelsea của Anh, nhưng ông ta có đổi tên đội bóng ấy đâu?

Hay nước Nga đã trải qua những biến động ghê gớm, tất cả những đội bóng lớn của nước Nga đều đã thay đổi chủ sở hữu, nhưng các đội bóng đó không thay tên: Vẫn còn đó Spartak, CSKA, Dinamo, Lokomotiv...

Trong khi ở Việt Nam, những tên tuổi quen thuộc của những đội bóng nổi tiếng như Thể Công, Công An Hà Nội, Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn... nay chỉ còn trong ký ức người hâm mộ. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà hiện nay có phong trào vận động thu thập 1 triệu chữ ký để thành lập lại đội bóng Thể Công của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tên tuổi một đội bóng gắn với tình yêu bóng đá của nhiều thế hệ, nó thiêng liêng chứ không đơn thuần chỉ là tên gọi thể hiện sự sở hữu của ai đó. Cần phải có một chút cao ngạo để bỏ tiền ra nhưng không gắn tên mình hay tên công ty vào đó.

Cần khích lệ tinh thần bóng đá "sạch"

Sau Đại hội Đảng lần thứ XI, nguyên Uỷ viên Bộ CT Hồ Đức Việt "im hơi, lặng tiếng" trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ấy vậy mà bây giờ ông lên tiếng vì bóng đá! Ông đã nhận lời làm Chủ tịch danh dự của Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội. Ông nói thẳng thắn, rõ ràng: "Tôi nhận lời anh Kiên là để khích lệ tinh thần bóng đá!".

Ông Hồ Đức Việt là người say mê và hiểu biết bóng đá (ông đã từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) nên bây giờ ông tham gia việc làm bóng đá "sạch" là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, để làm cho bóng đá Việt Nam trở lại sạch sẽ thì không chỉ trông chờ vào nỗ lực của những cá nhân (cho dù đó là những đại gia và những người nổi tiếng!), mà cần phải có sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn thể xã hội.

Trước hết, chúng ta yêu cầu những người khảng khái, trung thực, hiểu biết và đam mê bóng đá hãy dũng cảm đứng ra đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong bộ máy điều hành bóng đá Việt Nam.

Tiếp theo, chúng ta mong muốn các cầu thủ phải tỏ ra chuyên nghiệp cả về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp. Bóng đá là một môn thể thao huy động nhiều tố chất ở con người- không chỉ chơi bóng bằng chân mà còn bằng ngực, bằng đầu... Đấu bóng là để giành chiến thắng, nhưng phải chiến thắng một cách trung thực.

Người Việt Nam sẵn có tình yêu bóng đá nồng nhiệt, lại có tố chất khéo léo, thông minh. Nếu chúng ta quyết tâm làm bóng đá "sạch" thì trong tương lai không xa, ta có thể thi đấu ngang ngửa với các nước trong châu lục. Và bóng đá có thể làm cho xã hội đoàn kết và trưởng thành hơn.

Hồ Bất Khuất