Tại hội thảo về môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, an toàn được tổ chức vào cuối năm 2016, đại diện Hiệp hội Truyền hình trả tiền khu vực Châu Á Thái Bình Dương (Casbaa) cho biết, thống kê của Casbaa, trên các trang web lậu ở Việt Nam, ngoài 61% là quảng cáo của các nhãn hàng tên tuổi, uy tín thì 39% là quảng cáo của loại hàng hóa, dịch vụ không hợp pháp, lừa đảo hay đồi trụy như web sex, dụng cụ tình dục, cờ bạc... “Vì thế, với việc thường xuyên truy cập và tải phim ảnh, âm nhạc từ các trang web giải trí trực tuyến "bẩn", người dùng không chỉ tiếp tay cho hành vi kinh doanh thiếu minh bạch, thiếu tôn trọng sự sáng tạo của nghệ sĩ mà còn đối mặt với muôn trùng cạm bẫy nguy hiểm", đại diện Casbaa khuyến cáo. 

Trên cơ sở đó, theo đại diện Casbass, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa các website vi phạm bản quyền và những phần mềm độc hại như phần mềm gián điệp, phần mềm tống tiền, các loại virus làm tê liệt máy chủ, đánh cắp tài khoản và thông tin cá nhân để lừa đảo, tống tiền người dùng.  

Các phần mềm này còn gây ra hiểm họa khôn lường khi nó có thể truy cập để ăn trộm hình ảnh, clip, thư điện tử cá nhân; lén lút ghi hình từ webcam mà nạn nhân không hề hay biết... Ngay cả Mark Zuckerberg, chủ nhân của Facebook, cũng che kín webcam khi truy cập Internet để tránh bị theo dõi. 

Ông Phan Thanh Giản, Giám đốc Clip TV cho biết, ở các nước tiên tiến, việc truy cập các trang web xem VOD lậu là vi phạm pháp luật vì thế chính phủ ở các nước đó có rất nhiều chính sách làm cho việc truy cập trang lậu vô cùng khó khăn như kiếm soát ngay từ nhà cung cấp dịch vụ Internet, phạt nặng các công ty cung cấp dịch vụ lẫn người truy cập. 

Ở Việt Nam các trang web lậu chủ yếu xuất phát từ các cá nhân hoặc các nhóm cá nhân vì mục đích trục lợi ngắn hạn với chi phí bản quyền bằng không, do lượt truy cập rất lớn nên họ sẽ tập trung để bán quảng cáo. Các nhãn hàng lớn có thương hiệu chắc chắn không dám quảng cáo trên các dịch vụ này vì nhiều lý do. “Tuy nhiên, với lượng truy cập lớn đó, các trang web lậu sẽ tập trung khai thác hết bằng các quảng cáo đen như game, bài bạc, sex, ... Mối nguy hiểm khi truy cập các trang web này là về vấn đề thông tin cá nhân”, ông Giản cho biết thêm.

Một chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật cho hay, trong khi các trang web chiếu phim bản quyền như Clip TV, Netflix… có các biện pháp bảo mật để bảo vệ người dùng thì các trang web lậu, họ kiếm tiền bằng mọi giá nên có thể chứa các phần mềm, mã, virus độc hại có thể xâm nhập máy tính của bạn bất kỳ lúc nào, lấy đi thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng..., ví dụ thông qua cài đặt phần mềm độc hại vào máy tính, người dùng sẽ bị dẫn đến các trang web quảng cáo. Qua đó, tin tặc có thể dụ họ click vào banner để tải xuống các phần mềm virus nhằm lấy cắp thông tin người sử dụng hoặc dẫn vào các trang web mạo danh Facebook, Gmail…. “Khi người dùng đăng nhập các trang web mạo danh này sẽ dẫn đến việc bị mất tài khoản Facebook, email của mình”,  vị chuyên gia cho biết thêm.

Bên cạnh việc cài đặt phần mềm diệt virus hay trình duyệt an toàn, để bảo vệ mình, người dùng cần thiết lập các mật khẩu OTP thứ 2 thông qua điện thoại cho các tài khoản email, mạng xã hội.

Chính vì thế, người dùng cần cân nhắc những rủi ro về an toàn thông tin trước khi truy cập các trang web “lậu”, khi mà chỉ với chi phí khoảng 50.000 đồng/tháng là đã có thể sử dụng các dịch vụ VOD có bản quyền như Clip TV hay của Galaxy, BHD…