Nhà mạng để lộ thông tin thuê bao có thể bị phạt tiền hoặc xử lý hình sự. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo Cục Viễn thông, vấn nạn lừa đảo, spam quảng cáo, quấy rối qua điện thoại di động vẫn xảy ra liên tục, do đó việc bảo mật thông tin đang được nhiều người quan tâm. Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các quy định nghiêm cấm hành vi mua bán thông tin cá nhân trên mạng, được quy định tại điều 6 Luật Viễn thông, điều 7 Luật An toàn thông tin mạng; khoản 4, khoản 5 điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, Chỉ thị số 11/CT-BTTTT ngày 18/3/2016 về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông SIM sai quy định.

Theo các quy định đã được ban hành, cá nhân có trách nhiệm tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý (quy định tại khoản 1,2 điều 16 Luật An toàn thông tin mạng).

Điều 18 Luật An toàn thông tin mạng quy định chủ thể thông tin cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân, cập nhật, sửa đổi, hủy bỏ thông tin cá nhân của mình mà tổ chức, cá nhân đó đã thu thập, lưu trữ, hoặc ngừng cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bên thứ ba. Ngay khi nhận được yêu cầu, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và thông báo lại cho chủ thể thông tin cá nhân hoặc cung cấp cho chủ thể thông tin cá nhân quyền tiếp cận để tự cập nhật, sửa đổi, hủy bỏ thông tin cá nhân của mình do tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân đang lưu trữ.

Doanh nghiệp viễn thông nếu tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng; nếu mua bán hoặc trao đổi thông tin cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự.

Bộ TT&TT cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông hoàn thiện các quy trình, tăng cường bảo mật thông tin trong cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố có liên quan triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý các sai phạm (nếu có) để xử lý theo pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, đề nghị các cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của chính mình để từ đó bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của bản thân trước xã hội.

Theo nguồn tin từ Cục Viễn thông, tổng số thuê bao di động ở Việt Nam đã đạt hơn 130 triệu, Việt Nam được đánh giá là nước có mật độ thuê bao viễn thông trên 100 dân cao nhất thế giới. Nhưng nghiêm trọng hơn là nước ta đã xuất hiện nhiều đối tượng dùng SIM di động để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đe dọa, tống tiền, nhắn tin, quấy rối, lừa đảo. Nên việc có một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định sẽ tạo điều kiện để các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, bảo vệ, bảo đảm quyền lợi của người dân, tạo nền tảng cho hoạt động của kinh tế số, kinh tế trên mạng, đặc biệt là phát triển các dịch vụ mới như Mobile Money, cấp mã số định danh điện tử.

Trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã có nhiều hoạt động tăng cường quản lý thông tin thuê bao và ngăn chặn SIM kích hoạt sẵn trên thị trường. 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.855.849 thuê bao di động trả trước bị cắt giảm do không đủ thông tin thuê bao, thuê bao kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.