Số tiền mà các nhà mạng bỏ ra cho thấy nhu cầu rất lớn từ mạng di động thế hệ tiếp theo (5G). Sau hai phiên đấu giá tương đối “nhạt nhẽo”, các nhà phân tích dự kiến tổng giá thầu thu được khoảng từ 2 đến 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, kết quả phiên đấu giá cho thấy nhiều nhà mạng đã phải bỏ ra số tiền khá lớn để giành lấy phổ tần số dành cho 5G. Cụ thể, Verizon chi đậm nhất với 3,417 tỷ USD, tiếp theo là AT&T với 2,379 tỷ USD, T-Mobile 932 triệu USD, Columbia Capital 307 triệu USD, Dish Network 203 triệu USD, US Cellular 146 triệu USD và Sprint 113 triệu USD.

Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã bán hơn 14.000 giấy phép cá nhân cho 28 công ty đấu thầu khác nhau để có quyền cung cấp dịch vụ 5G tại các khu vực tàu điện ngầm trên toàn quốc.

Các băng tần số cao được gọi là băng tần sóng milimet (mmWave) có đặc điểm là không thể truyền đi xa nhưng có thể “cõng” một lượng dữ liệu khổng lồ. Tốc độ tải xuống trong các băng tần này hiện nay có thể đạt tới 2 Gbps, đủ nhanh để tải xuống một bộ phim gần như ngay lập tức.

FCC tiết lộ vào tháng trước rằng, giá thầu cao nhất là dành cho các thành phố lớn với gần 1 tỷ USD cho quyền sử dụng phổ tần số ở New York, hơn 700 triệu USD cho Los Angeles và khoảng 350 triệu USD cho Chicago.

Hiện tại, AT&T và Verizon đã cung cấp 5G cho người dùng ở một số khu vực của vài chục thành phố, trong khi Sprint cung cấp dịch vụ này chỉ trong 9 thành phố. T-Mobile phủ sóng 5G trên toàn quốc, tiếp cận các khu vực có khoảng 200 triệu người sinh sống, nhưng với tốc độ chỉ nhanh hơn một chút so với mạng 4G.

Trong vài năm tới, các nhà mạng có kế hoạch nhanh chóng mở rộng mạng di động 5G, vì vậy họ cần nhiều phổ tần số hơn để thực hiện kế hoạch đó.