Đưa nội dung truyền hình lên Internet (OTT) đã được các đơn vị truyền hình như SCTV, VTVcab, FPT, K+, VTC cung cấp trong khoảng 2 năm trở lại đây, tuy nhiên các ứng dụng OTT này đa số được cung cấp thông qua các Box Android với nội dung tương đối giống nhau, bên cạnh các kênh truyền hình thì còn có các ứng dụng VOD như kho phim, nghe nhạc, chơi game, đọc truyện, đọc sách, ứng dụng học tiếng Anh… Bên cạnh đó còn nhiều đơn vị kinh doanh Box Android tung ra thị trường rất nhiều loại thiết bị mà nội dung trên đó đa số là các nội dung vi phạm bản quyền.

Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2018, các đơn vị truyền hình lớn như VTVcab, SCTV, Đài VTC, VTV bắt đầu nhắm đến mục tiêu cung cấp các ứng dụng OTT riêng biệt cho nền tảng di động, với những nội dung được sản xuất chuyên biệt phục vụ cho đối tượng khách hàng xem nội dung qua các thiết bị di động gồm điện thoại, máy tính bảng, smartTV…

Theo nguồn tin từ SCTV Digital, dự kiến trước ngày khai mạc World Cup 2018 (vào ngày 14/6/2018), SCTV Digital sẽ chính thức ra mắt ứng dụng STV, đây cũng là một ứng dụng OTT chuyên biệt được SCTV Digital phát triển riêng cho nền tảng mobile. Nội dung trên STV đều là những nội dung mà Truyền hình cáp SCTV đã mua bản quyền và phát sóng trên hệ thống truyền hình. Theo đại diện SCTV Digital, việc ra ứng dụng STV nhằm tạo thêm một tiện ích cho người dùng có thể xem các nội dung mà trước đó chỉ có thể xem được trên truyền hình, thì nay có thể xem được ở bất cứ đâu. Khách hàng có thể xem truyền hình trực tuyến, phim, thể thao, TVshows trên các thiết bị di động, SmartTV hoặc box Android.

Trước đó, từ 1/4/2018, VTVcab đã thay 23 kênh truyền hình quốc tế trên hệ thống bằng 20 kênh truyền hình quốc tế hoàn toàn mới do các đối tác khác cung cấp. Vào thời điểm đó, VTVcab đã vấp phải phản ứng khá gay gắt từ dư luận và khách hàng. Chia sẻ về lý do khiến VTVcab lại có quyết định thay đổi lớn về nội dung như vậy, bà Hoàng Phương, Giám đốc Truyền thông của VTVcab cho hay: “Chúng tôi gọi đây là sự chuyển dịch mang tính đột phá, sự đột phá mang tính lịch sử trong quá trình phát triển của VTVcab. Xu hướng hội tụ số bắt buộc VTVcab phải chuyển dịch để bắt kịp với xu thế phát triển của công nghệ mới, bắt kịp với Cách mạng 4.0 để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn. Với hệ thống kênh truyền hình mới, VTVcab có bản quyền để cung cấp cho khán giả trên mọi hạ tầng: truyền hình cáp, Internet và Mobile. Dự kiến, sắp tới, VTVcab và Truyền hình Viettel Next TV sẽ ra mắt một ứng dụng trên mobile, khán giả có thể xem được chùm kênh nước ngoài mới trên một ứng dụng rất tiến bộ, chúng tôi tối ưu hóa ứng dụng này cho người dùng Mobile, VTVcab và Next TV đang hoàn thiện hệ thống này”.

Đại diện VTVcab khẳng định, chắc chắn người dùng sẽ được xem nhiều hơn, xem hay hơn, xem thông minh hơn với mức giá thuê bao giữ nguyên như hiện tại. Dự kiến ứng dụng OTT chuyên biệt cho mobile được VTVcab ra mắt khán giả trong đầu tháng 5. Trước đó, VTVcab cũng phát triển ứng dụng VTVcab ON cho nền tảng smartTV, smart Box, Intertnet và di động…

Vào cuối tháng 4 vừa qua, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC cũng ra mắt ứng dụng VTC Now, một nền tảng OTT do chính Đài VTC nghiên cứu và phát triển đã có mặt trên hai kho ứng Appp Store và CH Play. Sản phẩm nội dung hấp dẫn được phát hành theo từng giai đoạn trên các nền tảng kỹ thuật số phổ biến gồm: Android, iOS, AndroidTV, Tizen, WebOS, Web.

Trước đó, VTV đã ra mắt ứng dụng chuyên biệt dành riêng cho thể thao VTV Sports News, không chỉ nổi bật ở tính cập nhật thông tin về các môn thể thao được nhiều người yêu thích, VTV Sports còn thu hút bởi sự đa dạng của chương trình và thông tin được sản xuất riêng cho khán giả của nền tảng số. Người hâm mộ thể thao có thể tải miễn phí ứng dụng VTV Sports về các thiết bị cầm tay chạy hệ điều hành iOS và Android thông qua App Store hoặc Google Play.

Việc các ông lớn trong ngành truyền hình như SCTV, VTVcab, VTV, Đài VTC chú trọng đầu tư cung cấp nội dung trên OTT được đánh giá là một bước chuyển mình đáng chú ý của thị trường truyền hình. Người xem thay vì đổ xô tìm kiếm nội dung vi phạm bản quyền trên mạng, xem nội dung qua các ứng dụng OTT lậu thì nay đã có nhiều lựa chọn để xem nội dung có bản quyền, qua các ứng dụng OTT chính thống do chính các đơn vị truyền hình sản xuất và cung cấp nội dung trên OTT.

Trước đây, ICTnews đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng vi phạm bản quyền nội dung truyền hình trên Internet và các ứng dụng OTT lậu, điều này gây thiệt hại rất lớn cho các đơn vị truyền hình. Tại Hội thảo về truyền hình được tổ chức ở Đà Lạt mới đây, ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền, Tổng giám đốc SCTV cũng nêu ra tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan trên mạng đã ảnh hưởng lớn đến ngành truyền hình trả tiền. Ông Trần Văn Úy kiến nghị Bộ TT&TT sớm triển khai các biện pháp, công cụ quản lý chặt chẽ, hiệu quả, tạo hành lang pháp lý công bằng, minh bạch cho tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình hoạt động tại Việt Nam. Trong bối cảnh ngành truyền hình thay đổi rất nhanh như hiện nay, bắt buộc các đơn vị truyền hình trả tiền phải tự thích nghi nhanh và mạnh với xu thế của người dùng, xu hướng công nghệ, đồng thời giữ vững và phát huy những giá trị cốt lõi đã gây dựng trong nhiều năm.