- Cam kết chính trị của Việt Nam đối với việc không phổ biến vũ khí hạt nhân đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Trong khuôn khổ của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân 2016 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Washington (Hoa Kỳ), Viện Năng lượng hạt nhân Hoa Kỳ (NEI) đã tổ chức các sự kiện bên lề gồm Hội nghị Thượng đỉnh Công nghiệp hạt nhân 2016 (NIS-2016) từ ngày 30-31/3/2016 và Triển lãm Công nghiệp hạt nhân 2016 từ ngày 31/3-1/4/2016.

{keywords}

Lễ trao Giải “Nguyên tử vì hòa bình” diễn ra ở Hội nghị Thượng đỉnh Công nghiệp hạt nhân 2016 ở Whasington (Mỹ). Ảnh: Inquirer.net.

Lãnh đạo từ hơn 50 nước và 4 tổ chức quốc tế quan tâm đến việc ngăn ngừa các hành động khủng bố hạt nhân trên toàn cầu đã đến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh này và các sự kiện bên lề nói trên.

Hội nghị Thượng đỉnh Công nghiệp hạt nhân năm nay 2016 đã quy tụ hàng trăm các nhà lãnh đạo của ngành công nghiệp hạt nhân trên thế giới để thảo luận về các kết quả đã đạt được của ngành công nghiệp hạt nhân thế giới kể từ các Hội nghị Thượng đỉnh công nghiệp hạt nhân các lần trước.

Trong Hội nghị lần này các chủ đề sau đây đã được tập trung thảo luận: a/ An ninh trong sử dụng, lưu giữ và vận chuyển các vật liệu phóng xạ và vật liệu hạt nhân mang tầm chiến lược; b/ Quản lý các mối đe dọa an ninh mạng; và c/ Vai trò của ngành công nghiệp hạt nhân trên toàn cầu.

Đặc biệt, ngày 31/3/3016 Hội nghị đã công bố và tổ chức hoành tráng Lễ trao giải thưởng cho các cá nhân, tập thể và các quốc gia đã có các đóng góp nổi trội cho sự nghiệp phát triển nguyên tử vì hòa bình trên toàn cầu.

Và Việt Nam đã được tuyển chọn, đưa vào danh sách 15 quốc gia được trao tặng Giải thưởng mang tên “Nguyên tử vì hòa bình” do các đóng góp quan trọng trong lĩnh vực An ninh hạt nhân trên thế giới, cụ thể trong việc sử dụng, lưu giữ và vận chuyển các vật liệu phóng xạ và vật liệu hạt nhân mang tầm chiến lược.

Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với Giải thưởng “Nguyên tử vì hòa bình”, trước hết, ở việc chấp nhận một dự án quốc tế được Liên Hiệp Quốc bảo trợ và các thoả thuận song phương Việt - Mỹ và Nga - Mỹ, thực hiện thành công hoàn hảo Chương trình chuyển đổi nhiên liệu hạt nhân của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt từ độ giàu cao (HEU) sang độ giàu thấp (LEU).

Trước đây, ở Lò hạt nhân Đà Lạt chỉ sử dụng nhiên liệu của Nga với độ giàu Uranium U235 ở mức 36% (có nguy cơ nâng độ giàu cao hơn gần với tiêu chuẩn nhiên liệu cho bom hạt nhân !). Nhưng từ tháng 9/2007 đến tháng 10/2011, Việt Nam và Nga đã thực hiện xong việc chuyên chở tất cả các thanh nhiên liệu có độ giàu cao ở mức 36% này về Nga và chỉ đưa qua Việt Nam các thanh nhiên liệu với độ giàu thấp (LEU) ở mức dưới 20% (an toàn hơn với nguy cơ biến thành nhiên liệu bom hạt nhân).

Ngoài ra, tất cả các thanh Uranium có độ giàu cao HEU với khối lượng tổng cọng 16 kg (tương đương một nửa nhiên liệu cho quả bom hạt nhân) tồn đọng ở Viện Hạt nhân Đà Lạt không sử dụng nữa đều được chuyển về nơi sản xuất, nước Nga. Việc trao trả 16 kg uranium loại HEU này cho Nga đã được thực hiện trong 2 đợt, đợt đầu vào năm 2007 và đợt cuối diễn ra sau vài năm.

Rõ ràng, Việt Nam thể hiện sự tuân thủ trong hành động mọi quy định quốc tế về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục tiêu dân sự đã cam kết.

Và về mặt pháp lý, ngay từ năm 1982 Việt Nam đã tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Năm 1996, Việt Nam lại ký kết Hiệp ước (CTBT) cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện và năm 2006 phê chuẩn CTBT. Việt Nam cũng đã ký Hiệp định Bảo đảm An ninh toàn diện với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có hiệu lực vào năm 1990. Ngoài ra, Việt Nam cũng trở thành một thành viên của Hiệp ước Phi vũ khí hạt nhân khu vực Đông Nam Á (Hiệp ước Băng Cốc).

Phần thưởng “Nguyên tử vì Hòa Bình” được trao cho Việt Nam lần này thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng hạt nhân quốc tế đối với các cam kết và hành động của Chính phủ Việt Nam đối với việc bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân trong ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công Nghệ Chu Ngọc Anh đã đến dự buổi lễ trao Giải thưởng và nhận giải thưởng của Ban Tổ chức.

Trần Minh