Tại Diễn đàn, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc, với năng lực và bề dày kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi số, sẽ là “cánh chim đầu đàn” trong hỗ trợ Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm tiến hành chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất, ông Lee Byoung Moog, Phó Giám đốc Trung tâm hợp tác công nghệ thông tin Hàn Quốc cho biết quốc gia này là một trong những quốc gia thực hiện số hoá từ những năm 1983, đến nay đã trải qua 5 giai đoạn.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn. Ảnh: Thế Vinh

Trong đó, cải cách hành lang pháp lý có vai trò quan trọng đảm bảo số hoá sản xuất. Đến nay, Hàn Quốc có hơn 50 bộ luật hỗ trợ phát triển các nền tảng phần mềm. Đối với các công nghệ mới, nước này sử dụng cơ chế áp dụng thí điểm (sandbox), vừa làm vừa sửa đổi dần dần.

Cùng với đó là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn khi áp dụng các loại công nghệ tiên tiến. Chính phủ Hàn Quốc áp dụng cơ chế hỗ trợ đối với các sản phẩm công nghệ có vòng đời ngắn. Chẳng hạn, sau mỗi 5 năm, cơ sở hạ tầng công nghệ và hệ thống phần mềm tại đây thường được cập nhật hoặc phát triển mới.

Ngoài ra, công tác xây dựng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật số cũng được chú trọng ngay từ chương trình đào tạo từ tiểu học cho đến đại học, với bản đồ kỹ năng dựa trên nhu cầu doanh nghiệp. Từ đó chuẩn bị nguồn nhân lực IT dồi dào, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Về mức độ đầu tư cho kỹ thuật số, so với các ngành công nghiệp khác tại Hàn Quốc, lĩnh vực ICT chiếm 12,9% GDP, 34,6% của xuất khẩu và 58% kinh phí nghiên cứu và phát triển (R&D).

Chiến lược số của Hàn Quốc nhận định, thế giới đang đối mặt với cuộc chuyển đổi mang tính cấu trúc, thúc đẩy bởi các yếu tố an ninh quốc gia, tăng trưởng kinh tế chững lại, xã hội phân hoá sau đại dịch và vấn đề biến đổi khí hậu.

Do đó, cách mạng công nghệ là động lực để các quốc gia vượt qua khủng hoảng, thích ứng với những thay đổi. Bất kỳ quốc gia nào dẫn đầu về đổi mới sẽ có khả năng nhảy vọt thành nhà dẫn dắt thế giới.

Chiến lược của nước này dựa trên nền tảng đảm bảo quyền riêng tư người dân, với tầm nhìn làm chủ công nghệ, trở thành hình mẫu cho thế giới, gồm 5 trụ cột: Xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo xếp hạng toàn cầu; mở ra kỷ nguyên kinh tế dữ liệu; tái thiết kế toàn bộ lĩnh vực công nghiệp phần mềm; chuyển đổi đám mây với khu vực công tư và dự án K-Cloud phát triển bán dẫn; phần mềm và trí tuệ nhân tạo.

Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam (VIDW2022) diễn ra từ ngày 11-14/10/2022, tập trung thúc đẩy và mở rộng quan hệ đối tác số với các ưu tiên: hoàn thiện thể chế và môi trường quản lý, đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển công nghệ số, hạ tầng số; xây dựng không gian mạng an toàn và tin cậy; nâng cao kỹ năng số cho người dân.

Thế Vinh