Vài năm trở lại đây, các dự án Blockchain ở Việt Nam đang phát triển một cách nhanh chóng và đa dạng. Ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp chuyên về Blockchain do người Việt sáng lập, được bạn bè quốc tế công nhận. 

Nhiều giải pháp Blockchain cũng đang đóng góp vào quá trình chuyển đổi số ngành năng lượng, giao thông, phát triển đô thị,... đem lại tiện ích cho người dân. 

Tuy vậy, một báo cáo gần đây của TIME cho thấy tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lĩnh vực Blockchain, tiền mã hóa cả dưới dạng nhà phát triển, nhà đầu tư và những người quan tâm hiện chỉ chiếm trong khoảng từ 4-6%. Điều này được đánh giá sẽ khiến ngành công nghiệp Blockchain mất đi một mảnh ghép quan trọng ở những lĩnh vực mà phụ nữ vốn có thế mạnh. 

Các chuyên gia chia sẻ tại buổi lễ ra mắt tổ chức đầu tiên ở Việt Nam chuyên đào tạo nữ nhân sự ngành Blockchain.

Theo một báo cáo không chính thức, lượng lao động nữ trong ngành công nghiệp Blockchain hiện chỉ chiếm từ 10-30% lực lượng lao động của toàn bộ ngành. Điều này dẫn đến việc Blockchain đang là một ngành do nam giới nắm toàn quyền chi phối. Hậu quả là vai trò của các nữ nhân sự trong ngành Blockchain bị xem nhẹ, thu nhập không được như nam giới. Việc thiếu vắng "nửa kia" của thế giới cũng sẽ trở thành một sự thiếu hụt cho ngành Blockchain, nhất là khi vai trò của nguồn nhân lực nữ đang ngày càng tăng lên trong lĩnh vực CNTT nói chung. 

Để giải quyết câu chuyện kéo phụ nữ tới gần hơn với lĩnh vực Blockchain, mới đây tổ chức S.H.E Blockchain đã ra đời với mục đích truyền cảm hứng và tạo cơ hội cho nữ giới tham gia vào ngành công nghiệp này. 

S.H.E Blockchain được bảo trợ bởi Liên minh Blockchain Việt Nam (Vietnam Blockchain Union - VBU) thuộc Hội truyền thông số Việt Nam. VBU là Liên minh mới được thành lập gần đây nhằm tư vấn, tham mưu cho các cơ quan quản lý xây dựng chính sách, khung pháp lý về Blockchain, tài sản số, tiền số tại Việt Nam.

Nhà sáng lập Phạm Thùy Linh của S.H.E Blockchain chia sẻ lý do tại sao ngành công nghiệp Blockchain cần tới sự góp mặt của phái nữ.

Có một điều đáng chú ý khi S.H.E cũng là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam chuyên đào tạo về nhân sự nữ cho ngành Blockchain. 

Theo nhà sáng lập Phạm Thùy Linh, S.H.E Blockchain đặt mục tiêu trở thành một tổ chức giáo dục và phát triển nghề nghiệp chuyên nghiệp. 

“Chúng tôi lấy phụ nữ làm trung tâm và sử dụng phương pháp giáo dục toàn diện để đào tạo, giúp đưa những phụ nữ thông minh, tham vọng đến với ngành công nghiệp Blockchain”, bà Linh chia sẻ.

Để làm được điều đó, tổ chức này hướng tới việc đào tạo các thành viên về tư duy, kiến thức và kỹ năng mềm mà một người phụ nữ cần có để tham gia vào ngành công nghiệp Blockchain. Bên cạnh đó, thành viên của của S.H.E cũng sẽ được đào tạo thêm về tiếng Anh chuyên ngành và kỹ năng thuyết trình thông qua việc tham gia các vòng tranh luận được dẫn dắt bởi các vị mentor (người hướng dẫn).

Sự xuất hiện của S.H.E Blockchain được đánh giá sẽ thổi một luồng gió mới và bổ sung thêm một nguồn nhân lực chất lượng, đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp Blockchain tại Việt Nam trong tương lai. 

Trọng Đạt