Việt Nam không chỉ có các nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, mà Trung tâm nghiên cứu và Phát triển điện thoại di động tại đây cũng có vị trị quan trọng bậc nhất của Samsung trên toàn cầu.

Đã làm việc 3 năm tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển điện thoại di động của Samsung Việt Nam (SVMC), đi nước ngoài đào tạo và tham gia các dự án toàn cầu nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên, Vũ Tiến Dũng, kỹ sư phần mềm sinh năm 1987, tham dự Lễ ra mắt toàn cầu dòng sản phẩm điện thoại Galaxy A của Samsung được tổ chức tại Malaysia vào tháng 10 vừa qua.

{keywords}
 

Niềm tự hào và sự xúc động vẫn còn nguyên qua lời kể của Dũng khi chứng kiến người dùng khắp toàn cầu đón nhận và thích thú trải nghiệm chiếc điện thoại Galaxy A7. Với Samsung, Galaxy A7 là một sản phẩm chiến lược  hướng tới khách hàng trẻ khi là chiếc điện thoại đầu tiên của Samsung được trang bị ba camera sau, cùng những công nghệ tiên tiến nhất nâng tầm trải nghiệm cho người dùng. Còn với đội ngũ kỹ sư của SVMC, Galaxy A7 lại là một cột mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển nhảy vọt và là lời khẳng định mạnh mẽ về trình độ của đội ngũ kỹ sư phần mềm Việt Nam không thua gì các trung tâm R&D khác của Samsung trên toàn cầu.

Tại dự án Galaxy A7, trong vai trò chủ đạo và tiên phong, các kỹ sư người Việt Nam tại SVMC đã phối hợp cùng các trung tâm R&D khác của Samsung trên toàn cầu trong quá trình phát triển toàn bộ hệ thống phần mềm và tính năng của sản phẩm.

{keywords}
 

“Khi nhận dự án phát triển phần mềm cho dòng Galaxy A7, bên cạnh niềm vui khi được tập đoàn tin tưởng, chúng tôi không khỏi lo lắng, vì đây là lần đầu tiên được giao một dự án có tính năng mới chưa từng có trên điện thoại của Samsung là cụm ba camera sau, và chúng tôi cũng được biết đây là sản phẩm chiến lược rất quan trọng với tập đoàn. Nhiệm vụ quan trọng này cũng đồng nghĩa với những thử thách lớn, nhưng chúng tôi đã từng bước vượt qua những khó khăn đó và chạy đua với thời gian để hoàn thành dự án đúng hạn”, Kỹ sư Vũ Tiến Dũng, quản lý dự án phần mềm A7 chia sẻ.

Nhiệm vụ của những người kỹ sư phần mềm tại SVMC được ví như quá trình mang “nguồn sống” và “thổi hồn” cho hệ thống phần cứng, khiến mọi tính năng trên trên chiếc điện thoại có thể hoạt động và kết nối với nhau một cách nhuần nhuyễn và hoàn chỉnh. Sự trưởng thành của đội ngũ kỹ sư tại SVMC, từ chỗ chỉ tham gia vào một phần nhỏ của dự án để nâng cấp và bản địa hóa một số tính năng trên hệ thống phần mềm gốc có sẵn, nay đã đứng ở vị trí “đầu tàu”, tự mình phát triển toàn bộ hệ thống gốc và phối hợp với các trung tâm R&D khác cùng tham gia, là minh chứng cho những nỗ lực lớn đầu tư vào phát triển con người và các hoạt động nghiên cứu và phát triển của Samsung tại Việt Nam.

{keywords}
 

“Chúng tôi vô cùng tự hào khi đội ngũ kỹ sư người Việt Nam đã đảm nhiệm thành công một dự án phần mềm quan trọng cho sản phẩm chiến lược Galaxy A7, là mẫu điện thoại cận cao cấp, chỉ đứng sau các dòng Flagship như Galaxy S và Galaxy Note của Samsung. Qua đây, chúng tôi muốn thay đổi hoàn toàn cách nhìn của thế giới về Việt Nam, tại đây, sẽ không chỉ có các nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, mà tiếp tục sẽ có trung tâm R&D với vị trí quan trọng bậc nhất của Samsung trên toàn cầu.”, ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết.

Từ năm 2008, Samsung chính thức đầu tư nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành cứ điểm chính trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam là hơn 17 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 160 nghìn người lao động. Song song với quá trình phát triển đó, Samsung Việt Nam cũng không ngừng đầu tư phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác Nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Tại SVMC, số lượng kỹ sư và chuyên gia công nghệ thông tin là gần 2.000 người, ngoài ra, tại hai nhà máy sản xuất điện thoại SEV tại Bắc Ninh và SEVT tại Thái Nguyên, hơn 2.000 nhân viên cũng đang tham gia vào các hoạt động R&D của công ty. Với Samsung, Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất toàn cầu, mà còn được định vị là trung tâm đầu não cho các hoạt động R&D của tập đoàn, qua đó, góp phần vào mục tiêu phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao của Việt Nam.

P.V