Mục tiêu của Kế hoạch hành động Quốc gia về IPv6 là Internet Việt Nam sẽ hoạt động một cách an toàn, tin cậy trên nền tảng công nghệ IPv6 từ năm 2019.

Chiều 4/5, Bộ TT&TT đã tổ chức chuỗi hội thảo nhân ngày IPv6 Việt Nam 2018 tại Hà Nội và TP.HCM. Đây là nơi để các doanh nghiệp viễn thông, CNTT, các doanh nghiệp nội dung số cùng nhau thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm thúc đẩy sự phát triển của IPv6 tại Việt Nam.

IPv6 là thế hệ địa chỉ Internet mới, được thiết kế với mục đích thay thế địa chỉ IPv4, mở rộng không gian địa chỉ. Bên cạnh đó, IPv6 còn là một phiên bản nâng cấp, giúp khắc phục được các nhược điểm của thế hệ địa chỉ IPv4 trước đây.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải khẳng định sự cần thiết của việc chuyển đổi và triển khai IPv6. Ảnh: Trọng Đạt

Theo báo cáo của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), mạng IPv6 Quốc gia khai trương vào dịp kỷ niệm Ngày IPv6 Việt Nam (6/5/2013) và được duy trì, phát triển suốt từ đó đến nay.

Mạng lưới này được hình thành dựa trên nền tảng cốt lõi là Hệ thống DNS quốc gia, Trạm trung chuyển lưu lượng Internet Quốc gia (VNIX) và các kết nối từ doanh nghiệp Internet. Mạng IPv6 Quốc gia là nền tảng hạ tầng vững chắc cho công tác triển khai IPv6 tại Việt Nam.

Trạm trung chuyển lưu lượng Internet Quốc gia (VNIX) hiện đang hoạt động ổn định. Tính đến tháng 4/2018, có 15/18 ISP kết nối VNIX qua IPv6, số lượng thành viên kết nối IPv6 tăng trưởng một cách đều đặn qua từng năm.

Ở thời điểm hiện tại, mạng máy chủ tên miền DNS quốc gia hoạt động tốt với 5/7 cụm máy chủ hoạt động song song IPv4/IPv6. Tổng lưu lượng truy vấn IPv6 liên tục gia tăng. Năm 2017, tổng số lượng truy vấn IPv6 là hơn 47 tỷ lượt, chiếm 25% tổng lượng truy vấn tên miền tại Việt Nam. Tỷ lệ này đã tăng trưởng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

{keywords}
Các chuyên gia CNTT cùng nhau chia sẻ về thực tế triển khai IPV6. Ảnh: Trọng Đạt

Tỷ lệ ứng dụng IPv6 tại Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong 2 năm gần đây. Theo số liệu được công bố bởi Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), tính đến cuối tháng 4/2018, tỷ lệ IPv6 Việt Nam đạt khoảng 13%, đứng thứ 3 khu vực ASEAN, thứ 7 khu vực Châu Á. Những con số thống kê bởi Cisco cũng cho thấy, số lượng người dùng IPv6 tại Việt Nam đạt khoảng 5,82 triệu người, chiếm 11,6% số người sử dụng Internet.

Mục tiêu của Kế hoạch hành động Quốc gia về IPv6 là Internet Việt Nam sẽ hoạt động một cách an toàn, tin cậy trên nền tảng công nghệ IPv6 từ năm 2019. Để hoàn thành mục tiêu này, việc triển khai IPv6 tại Việt Nam sẽ diễn ra trong 3 giai đoạn, bao gồm giai đoạn chuẩn bị (2011-2012), giai đoạn khởi động (2013-2015) và giai đoạn chuyển đổi (2016-2019).

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết: “Giai đoạn từ năm 2016-2019 là giai đoạn chính thức chuyển đổi các dịch vụ sang hoạt động với nền tảng IPv6. Đây là giai đoạn quan trọng, thúc đẩy việc triển khai IPv6 đến từng đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp CNTT trong nước nhằm lan tỏa sâu rộng tới người dùng IPv6 tại Việt Nam”.

“Việc triển khai IPv6 trong năm 2018 sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư vấn đào tạo, hợp tác quốc tế, phát triển cơ sở hạ tầng cung cấp trên nền IPv6”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết.

Mục tiêu của giai đoạn này là hoàn thiện việc chuyển đổi mạng lưới, dịch vụ, ứng dụng, phần mềm và thiết bị trên toàn bộ mạng Internet Việt Nam. Điều này nhằm tiến tới việc chính thức sử dụng và cung cấp dịch vụ Internet trên nền IPv6.

Trọng Đạt

3,6 triệu người dùng Internet Việt Nam đã sử dụng IPv6

3,6 triệu người dùng Internet Việt Nam đã sử dụng IPv6

Trong vài năm trở lại đây, công tác triển khai IPv6 tại Việt Nam liên tục có những bước tăng trưởng ấn tượng.

IPv6 thiết yếu cho sự phát triển IoT ở Việt Nam

IPv6 thiết yếu cho sự phát triển IoT ở Việt Nam

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định, với các ưu điểm vượt trội, việc phát triển IPv6 hiện có tính cấp thiết, tương hỗ cho sự phát triển Internet vạn vật.