Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang hiện diện tại Việt Nam thông qua việc mua bán - sáp nhập

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về thương mại điện tử, ngày 19/12, phiên họp thứ nhất của Nhóm công tác về Thương mại điện tử giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc, hai bên đã cập nhật tình hình phát triển thương mại điện tử tại mỗi nước và hệ thống chính sách pháp luật liên quan, trao đổi về các biện pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đến siêu nhỏ.

Kết thúc cuộc họp, lãnh đạo hai bên thống nhất trong thời gian tới sẽ tiếp tục thắt chặt hợp tác song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc về thương mại điện tử.

Việt Nam và Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc họp giữa các cơ quan chính phủ hàng năm nhằm trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Ngoài ra, xem xét về việc thiết lập đối thoại công tư trong lĩnh vực thương mại điện tử nhằm giúp thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn kinh doanh.

Năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc đã ký kết 2 bản ghi nhớ liên quan đến thương mại điện tử gồm bản ghi nhớ hợp tác về thương mại điện tử và bản ghi nhớ về việc thành lập nhóm công tác về thương mại điện tử.

Hai bản ghi nhớ này được đánh giá sẽ tạo cơ sở để hai nước thiết lập mối quan hệ bền vững trong lĩnh vực này.

Hiện nay, 3 tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc là Alibaba, JD và Tencent đều đã có sự hiện diện tại thị trường Việt Nam qua hình thức M&A.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đều đã sở hữu cổ phần tại Lazada, Tiki và Shopee. Thống kê đầu năm 2018, Lazada do Alibaba sở hữu 83%, Tiki do tập đoàn JD sở hữu 22% và Shopee do Tencent nắm 40%.