(LuatVietnam) Ngày 29/11/2010, Chủ tịch nước đã ban hành Lệnh công bố 4 luật mới vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII bao gồm: Luật thanh tra, Luật thuế bảo vệ môi trường, Luật viên chức và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong đó, Luật thanh tra gồm 7 chương, 78 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Điểm mới đáng chú ý của Luật Thanh tra là đã nâng cao địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra, xác định tính độc lập tương đối của các cơ quan thanh tra trong mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Luật quy định lại tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành theo hướng: giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho các cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực trực tiếp thực hiện, để chính những người thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong các cơ quan này trực tiếp tiến hành thanh tra và quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm pháp luật.
 
Luật thuế bảo vệ môi trường gồm 6 Chương và 13 Điều, đáng chú ý là quy định về 8 nhóm đối tượng sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người phải chịu thuế. Trong đó, mức thuế tuyệt đối đối đối với xăng (trừ etanol) từ 1.000-4.000 đồng/lít, dầu diezel từ 500-2.000 đồng/lít; than trong khoảng 10.000-50.000 đồng/tấn; Túi ni lông thuộc diện chịu thuế 30.000-50.000 đồng/kg… Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012, đồng thời, bãi bỏ các quy định về thu phí xăng, dầu tại Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10.
 
Luật viên chức gồm 6 Chương và 62 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Trong đó, Luật quy định: "Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật".
 
Đáng chú ý là viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2003 có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định của Luật này. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để bảo đảm các quyền lợi, chế độ, chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng.
 
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm 6 chương, 51 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Trong đó, Luật quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa dịch vụ trong việc cung thông tin cho người tiêu dùng bao gồm: Việc ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật; niêm yết công khai giá hàng hoá, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ; cảnh báo khả năng hàng hoá, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa; cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hoá; cung cấp hướng dẫn sử dụng, điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành; thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch…