Điều này giúp Viettel trở thành một trong những mạng viễn thông có tốc độ 5G nhanh nhất châu Á.

Bắt nhịp đường đua 5G cùng thế giới

Theo đại diện Viettel, hiện tại Viettel đã hoàn thiện 60-70% khối lượng công việc trong quá trình làm chủ 5G Microcell. Tuy nhiên, cho đến khi sản phẩm đi vào vận hành và được khách hàng ngoài Viettel chấp nhận thì mới là tạm hoàn thành giai đoạn nghiên cứu.

{keywords}
Anh Nguyễn Chí Linh - PGĐ Trung tâm Vô tuyến băng rộng trao đổi cùng quyền Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Lê Đăng Dũng trong một sự kiện.

Trong nửa đầu năm 2021, các kỹ sư Tổng Công ty Công nghệ cao Viettel (VHT) đã nắm bắt sự thay đổi thông tin về quy hoạch băng tần của 5G nên nhanh chóng phát triển phần cứng EVT3, tới nay đã hoàn thiện đóng gói phần cứng để tích hợp hệ thống. Dự kiến, tháng 10/2021 hoàn thành sản xuất xong phần cứng, đúng như tiến độ đăng ký với Bộ TT&TT.

Tháng 09/2021, nhóm nghiên cứu của Viettel, Ericsson và Qualcomm Technologies đã sử dụng công nghệ kết nối kép vô tuyến E-UTRA New Radio Dual Connectivity (EN-DC) tiên tiến nhất thế giới trên 800Mhz băng tần sóng cực ngắn (mmWave) giúp tăng tốc độ và mở rộng phạm vi phủ sóng 5G, đưa tốc độ truyền dữ liệu đạt mức kỷ lục 4,7 Gb/giây,
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhận định rằng, với những nỗ lực của Viettel, Việt Nam đã biến điều không thể thành có thể, từ một nước luôn đi sau và học hỏi các nước lớn như Hàn Quốc, Singapore… thì nay đã gia nhập những nước tạo ra công nghệ với “Make in Vietnam”.

Cộng hưởng trí tuệ toàn cầu

Tháng 6/2021, Viettel chính thức gia nhập Hiệp hội O-RAN (O-RAN Alliance) cùng 55 công ty công nghệ toàn cầu, trong đó có những nhà mạng, nhà sản xuất hàng đầu thế giới như AT&T, IBM, Microsoft, Verizon… với mục đích là chung tay phát triển việc chia sẻ trí thức giữa các bên, cùng xây dựng một chuẩn chung. Gia nhập Hiệp hội này, mục tiêu của Viettel là chuẩn hóa O-RAN các thiết bị viễn thông, dần dịch chuyển dịch vụ viễn thông sang phần mềm và điện toán đám mây thay vì dùng phần cứng độc quyền.

{keywords}
Tốc độ 5G Viettel đạt kỷ lục nhanh nhất châu Á.

Phó Tổng Giám đốc VHT Nguyễn Minh Quang cho biết thêm: "Hiện nay, ngành công nghiệp di động tập trung phát triển theo hướng mở, ảo hóa mạng truy cập vô tuyến, các nhà cung cấp lớn sử hữu công nghệ sản xuất phần cứng chỉ tập trung phát triển vào phần cứng (như Dell, IBM, HP...). Đây là điều tốt cho các nhà mạng viễn thông vì nếu mỗi công ty làm một kiểu module thì hệ thống khó có thể hoàn thiện trong thời gian ngắn, cũng như giá thành cao. Sau này, sản phẩm core của các nhà cung cấp đều sẽ phát triển trên một nền tảng chung từ đó dễ dàng hoàn thiện sản phẩm hơn cũng như giá thành được giảm xuống”.

Bên cạnh Hiệp hội O-RAN, Samsung cũng là một trong những đối tác lớn của Viettel trên mặt trận 5G.

Tháng 7/2021, Viettel có sự hợp tác với Mavenir - Công ty phần mềm viễn thông lớn của Mỹ, với các hoạt động chuyên sâu về công nghệ đám mây cho 5G.

Chia sẻ về việc hợp tác giữa Viettel và Mavernir, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thiết bị vô tuyến băng rộng (VHT) Nguyễn Chí Linh cho biết: "Đối tác này thuần về phần mềm và họ cần hợp tác với Viettel về phần cứng vô tuyến. Hai bên đã trao đổi thông tin và yêu cầu về thông số kỹ thuật của khối vô tuyến trạm Micro, khối vô tuyến trạm Macro. Sản phẩm Mavernir đang quan tâm nhất là trạm Macro 8T8R 40W và đặt vấn đề đặt mua hệ thống thử nghiệm của Viettel để thử nghiệm tích hợp với phần mềm của họ".

Sẵn sàng kinh doanh thương mại Viettel 5G

Phó Tổng Giám đốc VHT Nguyễn Minh Quang cho hay, lợi thế lớn của Viettel là sự thấu hiểu về kinh doanh (đi từ khách hàng) cho đến năng lực phát triển nghiên cứu và hệ thống vận hành khai thác đã xây dựng, là hệ thống "kiềng ba chân” giữa 3 tổng công ty lớn: VTT - VTNet – VHT. Viettel nhanh chóng nắm bắt nhu cầu thay đổi của các nhà mạng khi triển khai mạng 5G để có những điều chỉnh hợp lý trong kế hoạch phát triển sản phẩm, là nền tảng vững chắc để kinh doanh thương mại 5G.

{keywords}
Trung tâm Nghiên cứu thiết bị Vô tuyến băng rộng (VHT) dự kiến tung ra hai sản phẩm mới Macro 8T8R và AllinOne trong 6 tháng cuối năm.

Mục tiêu trong 6 tháng cuối năm, Viettel sẽ hoàn thiện phần cứng EVT3 và triển khai thử nghiệm, cũng như tung ra hai sản phẩm mới: Macro 8T8R và AllinOne trên nền tảng chip NXP. Đó là hai sản phẩm mới trong quý III sẽ có để thử nghiệm.

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thiết bị vô tuyến băng rộng (VHT) Nguyễn Chí Linh chia sẻ: “Trong nửa đầu năm, chúng tôi đã sản xuất được EVT3 15 RRU mỗi loại, tức là 15 RU Micro 8T8R, 15 AllinOne và 15 Macro RRU 8T8R. 06 tháng cuối năm, chúng tôi dự kiến kế hoạch sẽ là 50 cái mỗi loại nói trên, nhiều hơn để phục vụ triển khai diện rộng”.

Về phần mềm, với mục tiêu cuối năm là lắp đặt, tích hợp đưa vào vận hành, đo kiểm thử hệ thống UE Emulator, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục về tính năng phần mềm hệ thống cũng như tăng gấp 2-4 lần số lượng UE có thể hỗ trợ được. Bên cạnh đó là những tính năng khác như vận hành khai thác, đánh giá vùng phủ dịch vụ, ổn định hệ thống có thể hoàn toàn chạy tự động, tự động kết nối với trạm phát sóng, thực hiện các bài test về download, upload, các bài test đánh giá…

Như một vận động viên marathon kiên cường, Viettel bắt đầu từ vạch xuất phát chậm hơn rất nhiều so với đối thủ, nhưng đang bắt nhịp đường đua và nỗ lực không ngừng để tăng tốc, bứt phá trong chặng cuối về đích. Con đường 5G của Viettel không chỉ dừng ở đích đến là thương mại hóa 5G, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân, mà xa hơn đó là đảm bảo cho một nền tảng viễn thông an toàn - bảo mật, phục vụ đắc lực công cuộc chuyển đổi số của quốc gia.

Phạm Trang