{keywords}
Viettel sẽ phối hợp cùng UBND tỉnh Nam Định để đưa địa phương này hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2030.

UBND tỉnh Nam Định và Viettel vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số tỉnh Nam Định giai đoạn 2021- 2025. Trong đó, Viettel cam kết hỗ trợ tỉnh xây dựng nền tảng, triển khai các giải pháp công nghệ mới nhất, đảm bảo đến năm 2030, Nam Định sẽ hoàn thành chuyển đổi số toàn diện.

Viettel sẽ phối hợp cùng chính quyền tỉnh từng bước thực hiện chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, phấn đấu đưa Nam Định luôn đứng trong top 20 tỉnh dẫn đầu cả nước về Chính quyền điện tử, Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Đến năm 2030, Nam Định sẽ hoàn thành chuyển đổi số và triển khai đô thị thông minh.

Cụ thể, Viettel cam kết phát huy nền tảng chuyển đổi số hoàn chỉnh, triển khai những công nghệ mới nhất, đảm bảo nguồn lực là những chuyên gia hàng đầu, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số, công nghệ thông tin cho đội ngũ nhân sự của tỉnh.

Trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Nam Định và Viettel tập trung Phát triển hạ tầng số: phổ cập hạ tầng băng rộng cáp quang, 5G chất lượng cao; Xây dựng Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ thống nhất trên cơ sở quy hoạch, kết nối đám mây của Chính quyền tỉnh; Phát triển Kho dữ liệu số dùng chung; Đẩy mạnh Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như Đô thị thông minh, Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp, Giao thông, Du lịch và Tài nguyên môi trường...

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị tin tưởng Tập đoàn Viettel là một đơn vị luôn đi đầu dẫn dắt về công nghệ sẽ tư vấn, định hướng đầy đủ và đáp ứng đúng nhu cầu về chuyển số toàn diện của tỉnh. Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn các nội dung đã ký kết sẽ được nhanh chóng thực hiện và gặt hái được nhiều thành công.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel nhấn mạnh: “Là đơn vị tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số của quốc gia, đồng thời sở hữu hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện, Viettel sẵn sàng để dành mọi nguồn nguồn lực tốt nhất, cả về công nghệ, cả về con người, cả về tài chính để hiện thực hóa sớm nhất, hiệu quả nhất các yêu cầu về chuyển đổi số của tỉnh Nam Định”.

Hiện nay, Viettel đã ký thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số và triển khai đô thị thông minh với hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Vừa qua, mô hình thành phố thông minh của Viettel được đánh giá là hiệu quả và sáng tạo nhất thế giới tại Giải thưởng Truyền thông thế giới. Trước đó, Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tại Huế do Viettel triển khai cũng đạt giải Dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất tại Giải thưởng Viễn thông châu Á.

Đề cập đến câu chuyện phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 950 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung để đến năm 2030 sẽ hình thành một chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế này, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phân tích: Đại dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình, những thành phố đã từng được coi là thông minh nhất nhưng cũng đã bất lực, không thể bảo vệ được tính mạng và sức khỏe của người dân trước sự lây lan của dịch bệnh. Đại dịch đã cho chúng ta những bài học đắt giá để chúng ta nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những hạn chế, tồn tại và định hướng triển khai trong tương lai.

Với vai trò quản lý nhà nước về chuyển đổi số quốc gia nói chung, trong đó có nội dung ICT cho phát triển thành phố thông minh, thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã nỗ lực, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương để thúc đẩy triển khai đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam.

Bộ TT&TT cũng sớm ban hành một số văn bản hướng dẫn tạo khung pháp lý trong lĩnh vực ICT cho phát triển đô thị thông minh bao gồm Khung tham chiếu ICT, Bộ chỉ số KPI phát triển đô thị thông minh và các nội dung về ứng dụng CNTT để cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh.

“Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi quan niệm rằng phát triển đô thị thông minh cũng chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị, thành phố đó. Phát triển đô thị thông minh không thể tách rời mà phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh. 

Nguyễn Thái

VNPT sẽ hậu thuẫn Đồng Nai thúc đẩy Chính quyền điện tử, đô thị thông minh

VNPT sẽ hậu thuẫn Đồng Nai thúc đẩy Chính quyền điện tử, đô thị thông minh

Sau 5 năm, Tập đoàn VNPT đã đồng hành với UBND tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh triển khai ứng dụng Viễn thông - CNTT một cách toàn diện và đạt những thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt là về triển khai chính quyền điện tử.