Nắm bắt được nhu cầu của người nông dân và doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã tập trung nâng cao năng lực dự báo thị trường tiêu thụ nông sản để làm cơ sở định hướng cho người dân phát triển sản xuất.

Hạn chế rủi ro đầu ra cho sản phẩm

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để khảo nghiệm, lựa chọn dòng thuần kết hợp kỹ thuật canh tác tạo ra giống cây có chất lượng, năng suất cao, thích ứng tốt với điều kiện đất đai, sinh thái trên địa bàn tỉnh nhằm thay thế cho các giống truyền thống có năng suất, chất lượng thấp.

Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ Israel, ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin trong điều tra, kiểm kê và theo dõi tài nguyên, cho tới công nghệ sinh học nhân giống từ tách tế bào mô,… đều được người nông dân áp dụng vào sản xuất.

Dự báo thị trường tiêu thụ là bài toán then chốt. Ảnh: Thế Vinh

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ quan ban ngành tỉnh đã chủ động dự báo về tình hình xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, đồng thời nhận định nhu cầu tiêu thụ và phục vụ chế biến nội địa có xu hướng tăng lên. Trên cơ sở đó, định hướng các hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất gieo trồng các loại cây trồng phục vụ trong nước và chế biến như ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau xanh… kết hợp mở rộng diện tích loại cây có thị trường tiêu thụ tốt như dưa chuột, bí xanh, bí đỏ…

Đối với sản phẩm chăn nuôi, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, tạo ra nguy cơ thua lỗ với người sản xuất, tỉnh đã khuyến nghị tăng cường áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, giữ ổn định số lượng đàn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân.

Bên cạnh công tác theo dõi, phân tích, đánh giá thị trường, thông tin về tình hình thông quan tại các cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn các tỉnh cũng được cập nhật kịp thời cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh.

Những kinh nghiệm và bài học đã cho thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng thành tựu khoa học 4.0 trong sản xuất và kinh doanh nông sản, từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân về làm nông nghiệp thông minh với dữ liệu trong tất cả các khâu là nền tảng để đưa ra quyết định và dự báo thị trường.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường tiêu thụ nông sản, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương kịp thời cung cấp các thông tin thị trường về mặt hàng nông sản trong nước, cũng như quốc tế; nhu cầu nhập khẩu và các thị trường xuất khẩu chủ yếu để có giải pháp tổ chức sản xuất phù hợp.

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản. Quan tâm việc tư vấn, hướng dẫn người sản xuất kỹ năng phân tích, đánh giá thị trường.

Cung cấp các địa chỉ thông tin có chất lượng để người sản xuất, nhất là nông dân tìm hiểu, tham khảo trước khi quyết định đầu tư mở rộng. Hỗ trợ người sản xuất đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản, tránh tình trạng phụ thuộc vào một thị trường dẫn đến bị thương lái ép giá.

Công nghệ nâng cao chất lượng nông sản 

Năm 2022, nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc duy trì tốc độ tăng trưởng với giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thuỷ sản ước đạt hơn 11.000 tỷ VNĐ. Chuyển đổi số, gia tăng hàm lượng công nghệ trong các khâu sản xuất kinh doanh trở thành chìa khoá mở cánh cửa thị trường trong nước và quốc tế cho các mặt hàng nông sản của tỉnh.

Điểm nhấn trong bức tranh phát triển nông nghiệp tại đây phải kể đến hạ tầng công nghệ thông tin từng bước đã được đầu tư, nâng cấp hoàn thiện; tỷ lệ các hộ chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại điện tử và nông nghiệp công nghệ cao ngày càng tăng lên.

Cùng với đó là sự thay đổi tích cực trong tư duy, cách làm, đưa thành tựu khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, tạo thuận lợi cho người dân trong tất cả các khâu, từ sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng phần mềm quản lý mã số vùng trồng hỗ trợ truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ bà con thiết lập gian hàng số để quảng bá và giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

Theo số liệu hết năm 2022, Vĩnh Phúc có hơn 16.000 hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử, hơn 300 mô hình chăn nuôi quy mô lớn có áp dụng công nghệ số, hơn 1.400 sản phẩm nông nghiệp của 82 doanh nghiệp, hộ sản xuất được kết nối, quảng bá và tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn và Voso.vn.

Thế Vinh