Nếu biết tận dụng và đi đúng hướng, Việt Nam không những bắt kịp mà còn có thể vượt qua nhiều nước nhờ Internet của vạn vật, một xu hướng được dự đoán có thể "đẻ" ra nguồn doanh thu hàng ngàn tỷ USD chỉ sau 5 năm nữa.

"DN hạ tầng cần bắt tay DN nội dung phát triển IoT"

Hầu hết các diễn giả tại Hội thảo Ngày Internet Việt Nam 2015 sáng nay, 19/11 đều nhất trí rằng, Internet của vạn vật (IoT) là một xu hướng mà Việt Nam không thể bỏ lỡ, nếu như không muốn tụt hậu so với thế giới. Việt Nam có nhiều ưu thế và tiềm năng phù hợp với xu hướng này, nhưng cũng không thiếu những thách thức. Vấn đề là cơ chế chính sách của Chính phủ, sự quyết tâm của doanh nghiệp đến đâu mà thôi.

"Hợp với Việt Nam"

Từ góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải nhận định rằng, xu hướng IoT đã bắt đầu hiện diện tại Việt Nam thông qua nhiều ý tưởng, sản phẩm như nhà thông minh, thành phố thông minh, giao thông thông minh.... Ông cũng chỉ ra nhiều lý do cho thấy thị trường và doanh nghiệp CNTT Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trong việc phát triển và ứng dụng IoT trong thời gian tới.

"Có thể khẳng định với một hạ tầng mạng lưới viễn thông băng rộng đang tiếp tục được đầu tư phát triển, dân số trẻ, yêu công nghệ, VN đang sở hữu những tiền đề quan trọng, là thị trường tiềm năng để thu hút, phát triển các sáng kiến ứng dụng IoT", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào & Campuchia cũng khẳng định IoT là một xu hướng rất phù hợp với Việt Nam, đồng thời là cơ hội lớn để Việt Nam không những bắt kịp mà còn vượt các nước khác. Đặc biệt, vị chuyên gia này nhìn nhận IoT chính là một hướng đi cực kỳ triển vọng cho các ngành công nghiệp địa phương.

Một số lợi thế nữa của Việt Nam cũng được ông Nam chỉ ra, như Việt Nam vừa ký được Hiệp định TPP, nhân lực công nghệ cao có trình độ và khá đông đảo, đặc biệt là đội ngũ làm phần mềm, kỹ sư rất mạnh, được thế giới đánh giá cao về năng lực. "Dù có làm gì, dù có là phát triển ứng dụng Internet, kể cả sản xuất phần cứng thì vẫn phải cần phần mềm. Đó lại là điểm mạnh của người Việt", vị chuyên gia này giải thích.

{keywords}
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải: "Việt Nam có tiềm năng để phát triển IoT". Ảnh: T.H

Tại VN, trong những năm qua, cơ sở hạ tầng viễn thông, Internet đã từng bước phát triển mạnh mẽ. Tính đến tháng 9/2015, tổng băng thông kết nối Internet trong nước đã đạt trên 900 Gbps, kết nối Internet quốc tế đạt 1400 Gbps. Hiện VN có khoảng 120 triệu thuê bao di động, trong đó hơn 35 triệu là thuê bao 3G với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 30%. Tổng số thuê bao internet băng rộng cố định đạt 7 triệu, trong đó lượng thuê bao cáp quang FTTH chiếm hơn 40% và đang tăng trưởng mạnh.

Đấu với "tứ phương"

Ngoài nhân công giỏi, so với các quốc gia khác trong Hiệp định TPP, Việt Nam còn có ưu thế về giá thành, chi phí rẻ. Thế nhưng ngược lại, thách thức đặt ra cho chúng ta cũng không hề nhỏ. Thứ nhất, cạnh tranh không còn biên giới nữa. Các doanh nghiệp công nghệ Việt không chỉ phải "đấu" với đối thủ trong nước mà còn phải đối phó với cả những doanh nghiệp đến từ nước ngoài. Bài toán cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa thực sự không dễ giải, nhất là khi nhiều nghiên cứu, khảo sát gần đây đánh giá năng lực cạnh tranh của VN thậm chí còn không cao bằng một số nước láng giềng trong khu vực.

{keywords}
Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào & Campuchia: "IoT là xu hướng rất phù hợp với Việt Nam". Ảnh: T.C

Bên cạnh đó thì cơ chế cũng là một rào cản. Đại diện Qualcomm cho rằng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt có điều kiện cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp quốc tế chưa nhiều. Hơn nữa, muốn hiện thực hóa và phát triển IoT thì hạ tầng kết nối là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt là kết nối di động (3G và 4G). Nếu tốc độ kết nối Internet trong nước chậm thì cũng là một bất lợi.

"Đây là những thách thức tương đối đặc thù của Việt Nam", ông Nam cho hay.

Đồng quan điểm, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) cũng gọi tên "cơ chế" là cản trở lớn nhất, vấn đề khó nhất của Việt Nam hiện nay, khiến cho Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so với các nước ASEAN khác. "Nhiều cái không cần quản thì ta đang có xu hướng quản quá chặt", không khuyến khích được doanh nghiệp, cộng đồng công nghệ sáng tạo, đầu tư, vị chuyên gia kỳ cựu này cảnh báo. Nếu tình trạng này diễn biến kéo dài thì rất có khả năng nhiều doanh nghiệp IoT đủ năng lực sẽ phải đi tìm cơ hội ở các thị trường nước ngoài, thay vì phục vụ người dùng trong nước.

Ngoài ra, các vấn đề như bảo mật thông tin, riêng tư cá nhân trong kỷ nguyên IoT ra sao cũng sẽ là những vấn đề cần phải tính đến.

Nhưng không thể không làm!

Biết là khó, nhưng IoT thực sự là một cơ hội khổng lồ mà Việt Nam không được phép bỏ lỡ.

Khẳng định rõ quan điểm này, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, VN có đầy đủ điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, thời gian qua cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hạ tầng, thúc đẩy ứng dụng CNTT trong xã hội. Vì vậy, các doanh nghiệp CNTT-VT, các doanh nghiệp nội dung số "cần sớm nắm bắt được xu thế công nghệ, phát huy sáng tạo, tăng cường đầu tư nguồn lực để phát triển nhiều dịch vụ, ứng dụng IoT có giá trị hơn nữa".

Còn theo dự đoán của Qualcomm, doanh thu từ IoT có thể đạt tới 7,1 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Những quốc gia, doanh nghiệp nhanh nhạy nắm bắt xu hướng này sẽ đứng trước một mỏ vàng đúng nghĩa, nếu biết tận dụng các ưu thế và khắc phục những nhược điểm của mình.

{keywords}
Ông Trương Gia Bình: "Kinh tế chia sẻ đang làm thay đổi hoàn toàn cách thức làm việc, kinh doanh của chúng ta".

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT thì lại nêu ra sự cần thiết phải có của một tư duy và cách tiếp cận mới của doanh nghiệp, của bản thân các nhà làm chính sách trong kỷ nguyên IoT. Theo đó, thế giới thực và thế giới số sẽ trở thành một, mọi doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp số và mọi chi phí cũng đều là chi phí số. Đặc biệt, tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long thậm chí đã đặt ra một danh xưng hoàn toàn mới mẻ, đó là Kiến trúc sư trưởng số.

"Nếu như trước đây doanh nghiệp vẫn nói chuyện sản phẩm, dịch vụ... thì tới đây, họ sẽ phải nói về trải nghiệm số. Nền kinh tế chia sẻ sẽ lên ngôi, mà mô hình của Uber, GrabTaxi chính là những minh chứng rõ nhất. Uber không có hạ tầng cũng chẳng có xe. Nhưng nhờ nền tảng công nghệ, Uber, GrabTaxi đang làm thay đổi hoàn toàn cách thức làm việc và kinh doanh của chúng ta", ông Bình phân tích.

Nhưng như trên đã nói, để IoT thành hiện thực thì cần có một hạ tầng mạnh, tốc độ cao hỗ trợ nó, nhất là hạ tầng không dây. Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ cấp phép dịch vụ 4G trong năm 2016. Hiện tại, công nghệ 4G đang được các hãng tích cực tối ưu cho IoT, vì nhu cầu kết nối IoT sẽ rất khác với kết nối smartphone hay tablet truyền thống (cách trao đổi dữ liệu, nhu cầu sử dụng pin khác nhau...), ông Thiều Phương Nam chỉ ra.

Tuy nhiên, cốt lõi của IoT chính là sự đa dạng. Doanh nghiệp Việt muốn nắm bắt xu hướng IoT có thể tỏa theo rất nhiều hướng chứ không cần phải giới hạn tư duy trong di động hay thiết bị thông minh. Trên thực tế, với IoT, các thiết bị không thông minh hoàn toàn có thể được "hô biến" trở thành thông minh nhờ các giải pháp về camera, cảm ứng, vision... Một vài hướng đi tiềm năng như ô tô thông minh, máy bay không người lái Drone (Amazon thậm chí còn dự định giao hàng bằng máy bay không người lái trong thời gian tới), thành phố thông minh, giao thông thông minh, hạ tầng thông minh...

"IoT sẽ tạo ra một loạt thị trường mới mà trước đây chúng ta chưa từng nghĩ đến. Do đó, nó đòi hỏi sự sáng tạo và nhạy bén của doanh nghiệp", ông Nam kết luận.

Trọng Cầm