Mục tiêu mũi nhọn là sản xuất thiết bị viễn thông

Tại Hội nghị KHCN ngành TT&TT năm 2016 vừa diễn ra sáng 10/5/2016 ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng Ban Công nghệ mạng, Tập đoàn VNPT cho biết doanh nghiệp này đã xây dựng mạng lưới R&D tại các đơn vị thành viên. Công tác tối ưu hóa mạng lưới của Tập đoàn VNPT đã được triển khai định kỳ hàng năm trên cơ sở áp dụng các công nghệ mới nhất vào mạng lưới, và đã đạt nhiều kết quả nổi trội.

Cụ thể, Vinaphone là nhà mạng duy nhất triển khai thành công trên diện rộng công nghệ 3G trên băng tần 900MHz. Việc triển khai thành công 3G-900MHz góp phần đưa Vinaphone trở thành nhà mạng có vùng phủ sóng 3G rộng nhất Việt Nam. Mặt khác, Vinaphone cũng đã thử nghiệm thành công 4G LTE Advanced với tốc độ tải xuống cao nhất xấp xỉ 600Mbps tại TP.HCM và Phú Quốc. Với kết quả này, Vinaphone là nhà mạng đầu tiên ở Đông Nam Á thử nghiệm thành công công nghệ LTE Advanced ở tốc độ cao như vậy.

VNPT đã xác định rõ định hướng phát triển KHCN trong giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó tập trung vào mục tiêu mũi nhọn là sản xuất các thiết bị viễn thông và công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ tự sản xuất các hạng mục sản phẩm, thiết bị trong danh mục hạ tầng mạng lưới viễn thông, CNTT của Tập đoàn, phấn đấu cung cấp 100% sản phẩm đầu cuối truy nhập cho VNPT, tham gia cung cấp cho các nhà mạng khác và phát triển ra thị trường quốc tế; Thực hiện mục tiêu xuất khẩu 100 triệu USD trước năm 2020; Nghiên cứu phát triển nền tảng IoT (Internet kết nối vạn vật), Telco 2.0, ra mắt sản phẩm đầu tiên ngay từ năm 2016; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối IoT, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu...

Đề xuất gỡ khó cho hoạt động KHCN của doanh nghiệp

Trực tiếp trải nghiệm những thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình triển khai hoạt động nghiên cứu KHCN, đại diện VNPT đưa ra khá nhiều đề nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước để có thể phát triển tốt hơn nữa hoạt động nghiên cứu KHCN, gia tăng lợi ích cho doanh nghiệp.

Cụ thể, cần sớm ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ hướng dẫn về tổ chức, quản lý và sử dụng quỹ phát triển KHCN để các doanh nghiệp có thể khai thác tối đa các lợi thế của Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN. Trong đó đặc biệt lưu ý đến hướng dẫn thanh toán tiền công nghiên cứu phát triển cho cán bộ KHCN, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ cho nghiên cứu phát triển, miễn giảm thuế nhập khẩu các trang thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ, các cơ chế hỗ trợ về tài chính...

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có định hướng chiến lược và quy hoạch các công nghệ cao/mới cần chuyển giao, mức độ chuyển giao với sự chỉ đạo điều phối tập trung từ quốc gia đến các doanh nghiệp nhà nước. Trong đó có tận dụng các nguồn lực (phòng thí nghiệm, các chuyên gia chuyên ngành) của Việt Nam tại nước ngoài và các tổ chức, cá nhân quốc tế để nâng cao chất lượng và hiệu quả chuyển giao công nghệ tầm quốc gia, tránh trường hợp chuyển giao công nghệ manh mún, kém hiệu quả bởi từng doanh nghiệp riêng rẽ.

Đặc biệt, đối với các sản phẩm, dịch vụ đã hình thành thị trường, các cơ quan chức năng nên kiểm soát và hạn chế việc bán dịch vụ dưới giá thành để bảo vệ các khoản đầu tư vào công nghệ mới của doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần có những hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục và khai thác những ưu đãi về chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong trường hợp chuyển giao công nghệ không thực hiện dưới dạng hợp đồng chuyển giao công nghệ độc lập.

"Nhà nước cần có các chế tài yêu cầu các nhà thầu quốc tế cung cấp thiết bị công nghệ cao, mới, phải có trách nhiệm chuyển giao công nghệ hoặc một phần công nghệ khi tham gia dự án tại Việt Nam, đặc biệt liên quan đến phần mềm, phần cứng. Nhà nước thành lập và hỗ trợ cho đơn vị nhận chuyển giao công nghệ để từ đó nghiên cứu phát triển và nhân rộng công nghệ trong toàn quốc", ông Nguyễn Văn Yên đề xuất thêm.

Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị từ đại diện VNPT, ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN cao, Bộ KHCN cũng thừa nhận: "Dù CNTT luôn là một trong những lĩnh vực hàng đầu, được nhắc đến đầu tiên trong các luật, chiến lược về KHCN, nhưng khung pháp luật tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển KHCN còn nhiều vướng mắc".

"Bộ KHCN đang nỗ lực cùng Bộ Tài chính tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó. Bộ KHCN cũng đang đẩy mạnh xây dựng khung pháp luật cho hoạt động khởi nghiệp, và sẽ xây dựng Chương trình KHCN cấp quốc gia để thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về chính phủ điện tử", ông Đào Ngọc Chiến nói.

Về đề xuất hướng dẫn quy trình, thủ tục chuyển giao công nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN cao cho biết Bộ KHCN đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp và Bộ TT&TT có thể góp ý cụ thể vào dự thảo Luật này.

Riêng về kiến nghị yêu cầu các nhà thầu quốc tế phải có trách nhiệm chuyển giao công nghệ, ông Đào Ngọc Chiến phân tích: "Việt Nam vừa ký Hiệp định TPP, trong đó có điều khoản "không được yêu cầu nhà cầu cung cấp mã nguồn giải pháp. Bộ KHCN đang rà soát lại các vấn đề liên quan tới Hiệp định TPP. Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp trong ngành TT&TT cũng cần nghiên cứu kỹ các quy định liên quan tới công việc của mình trong thời gian tới".