3h chiều ngày 7/10, Hà Nội chính thức cấm nhiều tuyến đường để đảm bảo cho buổi tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành tại khu trung tâm Ba Đình. Đã có nhiều tình huống nháo nhác về giao thông xảy ra sau khi có lệnh cấm đường.

TIN LIÊN QUAN

Mặc dù đã được thông báo từ trước, nhưng người dân vẫn không khỏi lúng túng. Và cùng những cung đường cấm đã có không ít chuyện dở khóc, dở cười…

Nháo nhác đường về nhà

Ngay từ đầu giờ chiều, khi lệnh cấm đường bắt đầu được thực hiện tại nhiều điểm xe buýt, không ít người đã rất lúng túng để chọn được tuyến thích hợp cho lộ trình của mình.

Chị Thu Hà nhà ở Lê Duẩn, đang làm việc tại quận Cầu Giấy cho biết: “Bình thường chỉ đi 1 tuyến 32 là có thể về đến nhà. Nhưng đường Nguyễn Thái Học hôm nay bị cấm mà cũng không được biết xe sẽ chạy tuyến mới thế nào, dừng đỗ ở đâu nên 3 – 4 xe đi qua mà tôi chưa dám lên”.

Mô tả ảnh.
Tại nhiều điểm xe buýt nhiều người lúng túng không biết chọn tuyến xe nào cho phù hợp - Ảnh HK

Vừa lên nhập học không lâu, chưa quen với đường phố Hà Nội, lại trọ tận bên Gia Lâm nên dù đã đứng tại điểm xe buýt gần 1 tiếng để hỏi đường về, Trần Hương (ĐH Thủy lợi) vẫn không biết phải đi bằng cách nào.

“Mọi người cũng chỉ biết tên những con đường cấm còn việc xe đi ra sao thì lại không ai biết nên có hỏi cũng không ai dám chắc mà bảo” – Hương lo lắng.

Vừa xuống từ xe 32, loay quanh tại điểm xe buýt Cầu Giấy, chị Minh (Hưng Yên) chia sẻ: “Bây giờ muốn về Long Biên tôi cũng không biết phải hỏi ai. Khi ở trên xe tôi có hỏi lái xe và phụ xe thì họ bảo: Hôm nay có lệnh cấm đường không biết các xe chạy theo những tuyến nào. Đến phụ xe, lái xe còn không biết thì làm sao những người đi xe biết mà lần”.

Mặc dù được chủ động với phương tiện riêng của mình nhưng nhiều người cũng phải “méo mặt” tìm đường về vì cấm đường. Để về được nhà trong chiều ngày 7/10, ai cũng phải chấp nhận “mua đường”.

Anh Đặng Tiến Lộc đang làm việc tại một công ty TNHH trên khu vực Long Biên cũng đã vất vả, vòng vèo “mua đường” mới về được nhà ở làng Phú Đô (Mỹ Đình).

Vừa khẽ xua tay anh vừa kể: “Vừa lên được bốt Hàng Đậu thì Quán Thánh lại bị chặn nên tôi cứ loanh quanh lần mò từ đê Yên Phụ ra Lạc Long Quân, lên Cầu Giấy và từ đó mới về được Mỹ Đình”.

Rồi anh nói thêm: “Đến mồng 10 lại có lệnh cấm đường trên khu vực Mỹ Đình cũng chưa biết sẽ phải “mua đường” thế nào. Công việc của tôi lại khó nghỉ”.

“Việt dã” đi xem đại lễ

“Nhiều tuyến đường bị cấm, xe buýt hay xe máy đi đều bất tiện nên cả nhóm quyết định rủ nhau lên bờ Hồ bằng cách cuốc bộ. Từ Cầu Giấy lên bờ Hồ vừa tròn 2 giờ. Chưa kể thời gian vòng quanh mấy vòng hồ. Cả buổi tối ít nhất cũng đã đi bộ 4 tiếng. Lê chân được đến phòng trọ thì chân đã mỏi rời” – Thùy Linh (ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG) than thở.

d
Lực lượng CSGT và CS113 đang hướng dẫn phân luồng đường cho người tham gia giao thông tại ngã tư đường Trần Phú - Điện Biên Phủ vào chiều 7/10

Thấy các cháu háo hức xin được đi xe lễ diễu binh ở Bờ Hồ, bà Trần Thị Thanh (Đống Đa) cũng chiều lòng dẫn đi. Biết lệnh cấm đường định đi xe ôm nhưng giá quá đắt nên mấy bà cháu lại tình nguyện đi bộ.

“Cả đoạn đường từ Ngã Tư Sở lên Bờ Hồ, bà cháu phải nghỉ đến 3 lần và uống nước. Tình hình này, lúc về phải cố gắng ra sớm để bắt taxi chứ bà cháu không thể đi bộ được rồi” – bà Thanh chia sẻ.

Còn với Thế Kiên (ĐH Mỏ địa chất) chặng đường đi đại lễ của Kiên chẳng khác nào đi “việt dã” khi cậu quyết định đi bộ hoàn toàn từ ngã tư Cổ Nhuế thẳng tiến lên hồ Hoàn Kiếm.

Gặp Kiên khi đang trên đường về Cổ Nhuế, Kiên bảo: “Cấm đường cũng chỉ là một phần thôi. Nhưng quan trọng là mình muốn đi bộ để thực sự thấy hết được không khí đại lễ nghìn năm. Mệt lắm nhưng hơn hết là mình cảm thấy vui và ý nghĩa”.

  • Hồng Khanh