Ông Hasan Kleib - Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 6/9 đến ngày 8/9/2022.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, đại diện WIPO đã có nhiều buổi làm việc cùng với một số cơ quan hữu quan của Việt Nam về các chương trình, hoạt động cụ thể nhằm tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc sử dụng sở hữu trí tuệ như một công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo. 

Chia sẻ tại Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), Phó Tổng Giám đốc WIPO cho biết, ông ấn tượng mạnh với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam,đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch.

Việt Nam hiện đứng đầu ở nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Đây cũng là quốc gia đầu tiên áp dụng, chuyển hóa chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu sang chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh.

Ông Hasan Kleib - Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới. (Ảnh: Trọng Đạt)

Để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực sở hữu trí tuệ, ông Hasan Kleib khuyến nghị Việt Nam cần lưu ý đến 3 nhóm đối tượng, bao gồm giới trẻ, phụ nữ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Theo đó, nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của các nước đang phát triển (95%). 

Đại diện WIPO cho rằng, câu chuyện sở hữu trí tuệ gắn bó mật thiết với sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Bên cạnh vấn đề bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý của sản phẩm. Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ vì thế rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với 2 nhóm đối tượng còn lại, Việt Nam hiện có 25% dân số trong độ tuổi từ 15-30, hơn 60% các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam do phụ nữ làm chủ. Do vậy, đây là hai nhóm đối tượng cần được đặc biệt lưu ý nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ. 

Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Hasan Kleib đã có nhiều buổi làm việc cùng một số cơ quan hữu quan của Việt Nam về các chương trình, hoạt động cụ thể nhằm tăng cường hợp tác, hỗ trợ. (Ảnh: Trọng Đạt) 

Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc sử dụng sở hữu trí tuệ như một công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Để làm được việc đó, WIPO mong muốn thành lập Viện đào tạo về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. 

Hiện WIPO đã có 12 cơ sở tương tự tại các quốc gia khác trên thế giới. Với Viện đào tạo sở hữu trí tuệ Việt Nam, trong những năm đầu, WIPO sẽ hỗ trợ, sau đó chuyển giao hoàn toàn cho nước sở tại và sẵn sàng tư vấn nếu có đề nghị.

Trong chuỗi hoạt động tại Việt Nam, Phó Tổng giám đốc WIPO - ông Hasan Kleib đã ký kết Bản ghi nhớ và khởi động Chương trình đào tạo sở hữu trí tuệ dành cho cán bộ ngoại giao và nhà đàm phán thương mại. 

Phó Tổng giám đốc WIPO sau đó đã có buổi nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao về chủ đề “Nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ Việt Nam đối với sở hữu trí tuệ” và tham gia hội thảo về chủ đề “Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với doanh nhân và các nhà đổi mới, sáng tạo nữ giới”.

Tới đây, ông Hasan Kleib sẽ tham dự hội thảo dành cho doanh nghiệp với chủ đề “Sử dụng tài sản trí tuệ để thúc đẩy phát triển kinh doanh” tại TP.HCM.

Trọng Đạt