Có thể khẳng định, công tác chống sét cho công trình điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, vẫn còn tồn tại sự thờ ơ và chủ quan. Hệ quả của thực trạng đó khiến các hạng mục chống sét không được tiến hành triệt để, hạn mức đầu tư cho chống sét bị giới hạn và giải pháp chống sét chưa bám sát theo hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Vậy để bảo vệ chống sét hiệu quả và an toàn cho hệ thống điện năng lượng mặt trời, chúng cần lưu ý những gì?

{keywords}
Giải pháp chống sét cho điện mặt trời (Nguồn DEHN)

Quy hoạch điện VII với những cơ chế, chính sách khuyến khích của Chính phủ, năng lượng tái tạo của Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá, vượt mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào việc cung cấp điện cho phát triển kinh tế đất nước. Theo quy hoạch điện VII (điều chỉnh), mục tiêu đến năm 2020 công suất các nhà máy năng lượng tái tạo của cả nước là 2.060MW. Trong đó mục tiêu đặt ra với điện gió là 800MW; tổng công suất nguồn điện năng lượng mặt trời đạt khoảng 850MW.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam đã đạt gần 6.000MW, trong đó có gần 5.245MW điện năng lượng mặt trời, 325MW điện sinh khối, 10MW điện chất thải rắn. Đối với điện gió, ngoài các dự án đã vận hành (450MW) hiện cũng có khoảng 2.000MW đang thi công, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2020 và 2021. Hiện tại tổng công suất của điện năng lượng tái tạo đã chiếm trên 10% tổng công suất đặt của hệ thống điện.

Qua những thống kê, có thể thấy sản lượng điện năng lượng tái tạo, đặc biệt điện năng lượng mặt trời đã có những bước phát triển đột phá, sản lượng thực tế gấp nhiều lần mục tiêu đề ra.

Ước tính, vốn đầu tư cho hệ thống điện năng lượng mặt trời có công suất 1MWp sẽ có giá khoảng 13 - 15 tỉ VNĐ với thời gian hoàn vốn dự kiến từ 5 đến 7 năm. Tuổi thọ khai thác của hệ thống theo thiết kế khoảng 30 năm. Với sự hoạt động ổn định và an toàn dễ dàng thấy được giá trị to lớn mà hệ thống điện năng lượng mặt trời mang lại.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ về quy mô số lượng, các biện pháp nhằm đảm bảo hoạt động an toàn và ổn định cho hệ thống điện năng lượng mặt trời vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Những sự cố cháy chập - hỏng hóc trên hệ thống điện năng lượng mặt trời xảy ra do sét đánh với mật độ khá cao trong thời gian gần đây.

{keywords}
Sự cố sét đánh sẽ gây ảnh hưởng nếu không có các giải pháp dự phòng (Nguồn: Năng lượng Việt Nam)

Nguyên nhân sét đánh là khách quan nhưng mức độ thiệt hại lại quyết định bởi yếu tố chủ quan - con người. Ảnh hưởng của nhân tố con người nằm ở việc chưa nhận biết rủi ro và các nguy cơ tiềm ẩn từ sét dẫn đến công tác bảo vệ không nhận được sự quan tâm đúng mức. Từ khâu đầu tư cho hạng mục chống sét, thiết kế thi công, nghiệm thu, kiểm tra bảo trì hàng năm…

Ngày nay, các hãng sản xuất biến tần quang điện hàng đầu thế giới với sự nhận thức về các mối đe dọa từ sét, đã sớm đưa ra biện pháp chủ động bảo vệ cho biến tần bằng cách tích hợp sẵn các module SPD PCB (printed circuit board) bên trong. Tuy nhiên, việc tích hợp trên mới chỉ đáp ứng một phần trong tổng thể giải pháp chống sét cho hệ thống điện năng lượng mặt trời.

Cần chú ý, việc lựa chọn các SPD tích hợp bên trong Model biến tần phải được thử nghiệm và đáp ứng theo Tiêu chuẩn quốc tế liên quan. Hơn nữa, phải đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các SPD bên trong Model biến tần với các SPD bảo vệ ở các vị trí khác trong cùng hệ thống điện năng lượng mặt trời.

Trong tương lai gần, tiềm năng từ nguồn năng lượng tái tạo sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống công trình thủy điện và các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống.

Để đạt được sự phát triển bền vững, đi song song với mục tiêu nghiên cứu ứng dụng các nguồn năng lượng mới cần chú trọng hơn nữa trong vấn đề bảo vệ chống sét, tuân thủ chặt chẽ hệ thống quy chuẩn - tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và quốc tế.

Phong Vũ

Các nguồn năng lượng mới tiềm năng sẽ được quan tâm xây dựng bài bản

Các nguồn năng lượng mới tiềm năng sẽ được quan tâm xây dựng bài bản

Bộ Công Thương cho biết, các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch có tiềm năng sẽ được quan tâm phát triển, xây dựng bài bản để đảm bảo mục tiêu cân đối công suất phát giữa các vùng, giảm bớt thất thoát và giảm tiêu hao năng lượng.