3 doanh nghiệp viễn thông đăng ký thí điểm Mobile Money

Theo Chinhphu.vn, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021 được tổ chức vào chiều nay (2/10), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã thông tin với báo chí về kế hoạch cấp phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Cụ thể, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thực hiện Quyết định 316 ngày 9/3 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 3 đơn vị đăng ký triển khai hoạt động Mobile Money, đó là: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT và Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

{keywords}
Đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định, Mobile Money là hình thức thanh toán hết sức thuận tiện cho người dân nhưng cũng đòi hỏi phải hết sức an toàn, tránh bị lợi dụng (Ảnh minh họa)

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, cần thời gian để các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money theo đúng Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển văn bản, hồ sơ lấy ý kiến thống nhất của 2 bộ nữa là Bộ TT&TT và Bộ Công an, vì đây là vấn đề đòi phải hết sức chặt chẽ, đúng quy định.

“Về cơ bản, chúng tôi cũng đã thống nhất và hy vọng trong tháng 10 này, 3 Bộ sẽ thống nhất hồ sơ của các đơn vị này. Khi đủ điều kiện và được sự thống nhất chung của 3 Bộ, sẽ quyết định cho cấp phép, để 3 đơn vị triển khai dịch vụ Mobile Money”, đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Cũng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, lý do Ngân hàng Nhà nước, Bộ TT&TT và Bộ Công an cùng tham gia quản lý hoạt động thí điểm dịch vụ Mobile Money là do đây là hoạt động phức tạp, đòi hỏi phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng, cho người dân cũng như an toàn cho hệ thống thanh toán.

Đây là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng công nghệ (điện thoại di động của người dân), hết sức thuận tiện cho người dân nhưng cũng đòi hỏi phải hết sức an toàn, tránh bị lợi dụng.

Với việc triển khai thí điểm, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, lúc đầu dự định triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money tại một số địa phương; nhưng sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân nhắc, sẽ cho triển khai đồng bộ trên cả nước, với thời gian thí điểm khoảng 2 năm. Sau khi thí điểm hoàn thành sẽ rút kinh nghiệm, đánh giá và cho triển khai chính thức.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở vùng sâu, vùng xa

Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money hướng tới mục tiêu góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.

Đồng thời, tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng.

Quyết định 316 cũng quy định rõ, thời gian thí điểm là 2 năm kể từ khi doanh nghiệp đầu tiên được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. Việc thí điểm áp dụng trên phạm vi toàn quốc, trong đó phải ưu tiên triển khai tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam.

Doanh nghiệp thực hiện thí điểm chỉ được phép cung ứng dịch vụ Mobile Money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành phục vụ cho nhu cầu cuộc sống người dân.

Việc thí điểm dịch vụ Mobile Money chỉ áp dụng với giao dịch nội địa hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam bằng đồng Việt Nam, không được thực hiện thanh toán/chuyển tiền cho các hàng hóa, dịch vụ cung cấp xuyên biên giới.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ,Bộ TT&TT và Bộ Công an đã xây dựng và thống nhất ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money vào ngày 20/4. Quy chế quy định cụ thể về nguyên tắc, phương thức và các nội dung phối hợp, phân công giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và Bộ TT&TT.

Bàn về ảnh hưởng, tác động của hoạt động thí điểm Mobile Money, 2 giảng viên ngành Tài chính của Đại học RMIT là Tiến sĩ Đoàn Bảo Huy và Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy đều cho rằng, việc thí điểm dịch vụ Mobile Money sẽ làm tăng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa.

Trong trao đổi với ICTnews hồi tháng 4/2020, khi Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị trình Chính phủ đề án thí điểm Mobile Money, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đã nhấn mạnh: “Việc triển khai Mobile Money sẽ là hành động thích hợp để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Cá nhân tôi nhận thấy, Mobile Money sẽ tạo ra những tiện lợi đáng kể cho người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn như: dễ dàng mua sắm, giảm thiểu chi phí và thời giờ đi lại, hạn chế việc phải quản lý tiền mặt, đỡ phải tiếp cận với quá nhiều các hình thức thanh toán, thuận lợi cho quản lý chi tiêu và tài chính”.

Vân Anh

Chính phủ yêu cầu khẩn trương thí điểm dịch vụ Mobile Money

Chính phủ yêu cầu khẩn trương thí điểm dịch vụ Mobile Money

Chính phủ yêu cầu phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, khẩn trương triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. Hiện dịch vụ này đã được cho thí điểm, nhưng vẫn đang chờ được cấp phép.