Một ống thở được thiết kế để phát hiện sớm nhiều bệnh ung thư đang được thử nghiệm ở Anh

Một số bệnh thường được nhận biết qua mùi đặc trưng từ cơ thể, chẳng hạn như bệnh thương hàn có mùi như bánh mì nướng và mùi thơm của acetone, được cho là tương tự như táo thối, trên hơi thở của bệnh nhân tiểu đường. Nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng hơi thở của một người cũng có thể chỉ ra sự hiện diện của bệnh ung thư.

Để kiểm tra lý thuyết này, tổ chức Cancer Research UK đã tiến hành một thử nghiệm kéo dài hai năm với một thiết bị lâm sàng, được gọi là Breath Biopsy, để tìm hiểu xem các phân tử trong không khí thở ra có thể giúp phát hiện ung thư hay không.

Trong các quá trình trao đổi chất thông thường của cơ thể, các phân tử được gọi là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) được tạo ra. Người ta nghĩ rằng ung thư có thể tạo ra một mô hình VOC khác nhau, và các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ xác định được bằng cách sử dụng thiết bị. "Mục tiêu của chúng tôi là, chúng tôi có thể phát hiện ra những khác biệt tinh tế này không?", Billy Boyle, đồng sáng lập và CEO của Owlstone Medical, công ty phát triển thiết bị, nói.

Thử nghiệm do Trung tâm Cambridge thuộc Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh tiến hành, đang tuyển dụng tới 1.500 người tham gia, bao gồm cả những người khỏe mạnh để hoạt động như một nhóm kiểm soát.

Bệnh nhân ung thư dạ dày và thực quản sẽ được yêu cầu thử xét nghiệm đầu tiên, trước khi mở rộng sang bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt, thận, bàng quang, gan và tụy.

Những người tham gia sẽ được yêu cầu hít vào thiết bị trong 10 phút để cung cấp mẫu, mẫu sẽ được phòng thí nghiệm của Owlstone Medical ở Cambridge phân tích.

Mục đích của các nhà nghiên cứu là xác định xem các tín hiệu ung thư giống hay khác nhau và những tin hiệu nào có thể giúp nhận biết sớm. Nếu một số người tiếp tục phát triển ung thư, mẫu của họ sẽ được so sánh với những người không phát triển bệnh.

Hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán muộn

Giáo sư Rebecca Fitzgerald, trưởng nhóm nghiên cứu thử nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, cho biết: "Chúng tôi cần khẩn trương phát triển các công cụ mới, như xét nghiệm hơi thở, để có thể giúp phát hiện và chẩn đoán ung thư sớm hơn, giúp bệnh nhân có cơ hội sống sót tốt nhất”.

Gần một nửa số bệnh ung thư được chẩn đoán vào giai đoạn muộn ở Anh, theo Cancer Research UK. Một số lý do là các bệnh nhân lo ngại về các xét nghiệm xâm lấn, thiếu kiến ​​thức về các dấu hiệu và triệu chứng ung thư và thiếu các xét nghiệm phát hiện sớm đối với một số bệnh ung thư.

Phát hiện sớm có thể là vấn đề sống còn, khoảng 85% người mắc ung thư phổi được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, "và họ sẽ chết trong một hoặc hai năm [vì] vào lúc các bác sĩ chẩn đoán ra thì quá muộn rồi”.

Có hơn 360.000 ca ung thư mới ở Anh mỗi năm, theo Cancer Research UK. Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 18,1 triệu ca ung thư mới được báo cáo vào năm 2018, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Ung thư, căn bệnh cần nghiên cứu phương án chẩn đoán sớm

Năm 2017, các nhà nghiên cứu nói rằng họ đã phát triển một thiết bị để phân tích hơi thở - có thể xác định bệnh Parkinson, nhiều bệnh ung thư, suy thận, đa xơ cứng và bệnh Crohn với độ chính xác 86%.

Nhưng công nghệ thí nghiệm phân tích hơi thở có một số vấn đề cần phải giải quyết: bao gồm cả vấn đề lưu trữ hơi thở chưa được phân tích ngay lập tức.

Boyle đồng ý rằng thật khó để "bắt, lưu trữ và vận chuyển" hơi thở, nhưng nói thêm rằng thiết bị Breath Biopsy đã được phát triển để giải quyết những vấn đề đó. Ông cho biết thiết bị thu giữ các hóa chất bằng cách sử dụng hộp mực, "hoạt động giống như một miếng bọt biển" và sau đó nó được vận chuyển đến phòng thí nghiệm nơi phân tích.

Nếu thử nghiệm thành công, cả Boyle và Cancer Research đều hy vọng sinh thiết hơi thở sẽ được sử dụng trong thực hành của bác sĩ để tìm hiểu xem bệnh nhân có nên được giới thiệu để kiểm tra chẩn đoán thêm hay không.

"Thông qua thử nghiệm lâm sàng này, chúng tôi hy vọng tìm thấy dấu hiệu trong hơi thở để phát hiện ung thư sớm hơn - đó là bước tiếp theo quan trọng trong việc phát triển công nghệ này", Fitzgerald nói trong một tuyên bố.

Lý thuyết đằng sau công nghệ là mỗi chúng ta có một "dấu vân tay" hóa học độc đáo. Mỗi bệnh cũng có một dấu hiệu hóa học riêng, có thể được phát hiện trên hơi thở của chúng ta.