Thông tin cập nhật về tình hình triển khai phủ sóng vùng lõm sóng di động trong chương trình “Sóng và máy tính cho em” vừa được Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết.

“Sóng và máy tính cho em” là chương trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì xây dựng và triển khai để hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số. Chương trình đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính chính thức phát động vào tối 12/9, với mục tiêu giúp hàng triệu em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có thể học tập trực tuyến tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.

Ngay trước đó, 2 Bộ TT&TT và GD&ĐT đã thống nhất kế hoạch thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Kế hoạch nhằm xây dựng phương án hỗ trợ hạ tầng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ nhu cầu dạy và học trực tuyến; vận động cung cấp, hỗ trợ máy tính, các thiết bị, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách và triển khai học trực tuyến.

Song song đó, thúc đẩy, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương vận động mọi nguồn lực trong xã hội để ủng hộ, nhân rộng chương trình trên toàn quốc, hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện khác phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến.

Một nội dung cụ thể của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là trong tháng 9 phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách và triển khai dạy học trực tuyến; trong năm 2021 hoàn thành phủ sóng 100% toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc.

Tại thời điểm chương trình “Sóng và máy tính cho em” được phát động, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tập trung triển khai rà soát các khu vực “lõm sóng” – khu vực chưa có sóng di động hoặc có nhưng chất lượng không bảo đảm cho việc giảng dạy, học tập trực tuyến.

Từ kết quả rà soát, các nhà mạng được yêu cầu triển khai hạ tầng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ nhu cầu dạy và học trực tuyến tại các địa phương, nhất là tại các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

{keywords}
Thời điểm phát động "Sóng và máy tính cho em", Bộ TT&TT đã đặt mục tiêu trong tháng 9 phủ sóng 283 điểm lõm sóng Internet di động tại các địa phương đang giãn cách (Ảnh minh họa)

Trong thông tin mới chia sẻ, Cục Viễn thông cho hay, các cơ quan, đơn vị đều xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, không được chậm 1 giây phút nào, mỗi ngày hoàn thành sớm chương trình là thêm một ngày các em học sinh sẽ có điều kiện học tập tốt hơn.

“Tất cả vì sự học tập của các em học sinh, sinh viên, đảm bảo không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”, không hoàn thành chương trình học tập do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”, đại diện Cục Viễn thông nhấn mạnh.

Cụ thể, trong 18 ngày cuối tháng 9, các doanh nghiệp viễn thông Viettel, VNPT, MobiFone đã chủ động, tích cực triển khai các giải pháp kỹ thuật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đi lại, di chuyển trong nội tỉnh, liên tỉnh trong thời gian giãn cách; ảnh hưởng của các cơn bão số 5 và số 6 … để đẩy nhanh tiến độ.

Lãnh đạo các nhà mạng cũng đã trực tiếp phối hợp cùng địa phương đối thoại với người dân để tuyên truyền, giải thích về chương trình và sự an toàn của sóng di động để người dân hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp.

Kết quả, đến ngày 30/9, các doanh nghiệp viễn thông đã cơ bản hoàn thành việc triển khai ứng cứu phủ sóng cho 283 điểm lõm sóng đã khảo sát, xác định là lõm - chưa có sóng di động hoặc có nhưng chất lượng không bảo đảm.

Trong đó, với 6 trạm tại khu vực Hà Nội gặp khó khăn do một số người dân chưa hợp tác, không cho lắp đặt trạm phát sóng thông tin di động, VNPT và Viettel đã triển khai ứng cứu bằng xe lưu động để bảo đảm chất lượng dịch vụ tại các khu vực này. Đến nay, việc dạy và học trực tuyến tại các điểm được ứng cứu phủ sóng đã diễn ra bình thường với chất lượng ổn định.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết thêm, thời gian tới, để bảo đảm chất lượng phủ sóng theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đáp ứng kịp thời nhu cầu dạy và học trực tuyến của ngành giáo dục cũng như bảo đảm hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục rà soát, phủ sóng các điểm lõm sóng trên toàn quốc trong năm 2021. 

Liên quan đến nội dung sản xuất và cung cấp thiết bị học tập cho các em học sinh thuộc chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Bộ TT&TT hồi trung tuần tháng 9 cũng đã có khuyến nghị với Bộ GD&ĐT về các tiêu chí kỹ thuật (cấu hình) cơ bản đối với các thiết bị trao tặng thuộc chương trình.

Theo đó, Bộ TT&TT cho biết, trên cơ sở nghiên cứu và qua ý kiến đề xuất của một số hãng công nghệ lớn đã có kinh nghiệm triển khai các chương trình giáo dục lớn trên thế giới, phần lớn các chương trình thành công từ trước đến nay đều trang bị máy tính xách tay cho học sinh, thay vì máy tính bảng. Tuy nhiên, với mục tiêu cần phải trang bị ngay thiết bị cho các em để phục vụ học tập trực tuyến với số lượng hàng triệu chiếc máy tính xách tay sẽ không đáp ứng được vì giá thành cao và thị trường không đủ số lượng để cung cấp. Do vậy, trong thời điểm hiện nay, việc lựa chọn máy tính bảng để đáp ứng yêu cầu cơ bản của học tập trực tuyến là giải pháp tình thế cần thiết. Song trong dài hạn, cần phải xây dựng thiết bị và cấu hình phù hợp cho từng đối tượng học mới phát huy hiệu quả của chương trình cung cấp thiết bị điện tử trong giáo dục. Bộ TT&TT đề xuất trong giai đoạn sau Chương trình, từ năm 2022 có thể sử dụng máy tính xách tay cho từng cấp học với các ứng dụng phần mềm giáo dục tiên tiến.

Vân Anh

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em"

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em"

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chính thức phát động chương trình 'Sóng và máy tính cho em', nhằm giúp hàng triệu em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có thể học tập trực tuyến tại các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội.