Tại Hội nghị “Đào tạo, tập huấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp và áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá lĩnh vực thông tin, truyền thông” vừa được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TT&TT) cho biết, hiện có tổng cộng 125 quy chuẩn và 176 tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến lĩnh vực TT&TT. Trong đó, nhiều nhất là tiêu chuẩn và quy chuẩn với đối tượng tiêu chuẩn hoá gồm các sản phẩm, thiết bị trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin (85 quy chuẩn và 76 tiêu chuẩn).

Việc tiêu chuẩn hoá là nền móng của chuyển đổi số. Theo xu hướng chung, thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tiếp tục bổ sung thêm các đối tượng tiêu chuẩn hoá mới, trong đó có các công nghệ nền tảng như 5G, IoT, dữ liệu lớn, điện toán đám mây…, tiêu chuẩn hoá nền tảng số và tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng.

Xu hướng công nghệ mới đặt ra yêu cầu chuẩn hoá mọi lĩnh vực. Ảnh: Thế Vinh

Các chuyên gia có chung nhận định về việc cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với các công nghệ liên quan chuyển đổi số có xu hướng phát triển nhanh. Vai trò của các doanh nghiệp số ngày càng nâng cao, cũng như sản phẩm có tỉ lệ nội địa hoá cũng được tập trung.

Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Việt Nam hiện có 1 tổ chức chứng nhận, 1 tổ chức kiểm định và 33 tổ chức thử nghiệm. Do đó, với mục tiêu củng cố hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển và sản xuất sản phẩm, trang thiết bị lĩnh vực TT&TT, thời gian tới 1 trong những nhiệm vụ là nghiên cứu xây dựng phòng thí nghiệm/thử nghiệm trọng điểm chuyên ngành.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Toả (Vụ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, chuẩn hoá quy trình ISO 9001 (tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý chất lượng do Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế phát triển và ban hành), sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng, là nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực TT&TT.

Trong đó, khi áp dụng hệ thống ISO, doanh nghiệp và tổ chức phải duy trì bộ phận giám sát quản trị rủi ro, đồng thời thực hiện theo nguyên tắc cải tiến liên tục, tập trung vào khách hàng và chú trọng đến nhu cầu của các bên liên quan. Tiếp đó, doanh nghiệp và tổ chức cần thường xuyên rà soát, cập nhật kịp thời quy định các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan tài liệu, quy trình ISO để tiến hành cải tiến.

“Để đảm bảo duy trì và cải tiến được tốt, cần đảm bảo tổ chức đánh giá nội bộ nghiêm túc, xử lý triệt để các sự cố không phù hợp và xem xét khuyến nghị qua các đợt đánh giá nêu trên”, ông Toả cho hay.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông cần chú trọng các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện chuyển đổi số như kinh phí, nhân lực, thời gian và quyết tâm chính trị.

Về hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, đến nay Việt Nam đã có hơn 13.000 TCVN, trong đó 61% hài hoà tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, bao trùm hầu hết lĩnh vực, góp phần hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã trở thành công cụ hỗ trợ cho hàng hoá doanh nghiệp Việt Nam hội nhập dễ dàng vào những thị trường lớn, khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ dẫn đến thay đổi lớn lao về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý cũng như phương thức sản xuất. Công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức với nhiều ngành, lĩnh vực như công nghệ thông tin; đẩy nhanh phân tích và quản lý khoa học xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức, tối ưu hoá mô hình kinh doanh, thiết lập chuỗi cung ứng hậu cần thông minh trong mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu và các mô hình thuế quan mới.

Thế Vinh