Giúp các tờ báo thức tỉnh hơn 

Tháng 6/2022, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kết luận về việc chấp hành quy định pháp luật báo chí tại Báo Pháp luật Việt Nam và Báo Pháp luật Việt Nam điện tử. Về việc này, đại diện Báo Pháp luật Việt Nam khẳng định, kết luận thanh tra đã chỉ ra sai phạm của báo, và kết luận thanh tra đã giúp tờ báo đi chậm lại, giúp tờ báo thức tỉnh hơn trong công việc làm nghề, tác nghiệp báo chí và trong công việc quản lý báo chí. 

“Chính nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời, anh em ở Báo Pháp luật Việt Nam cảm thấy nhẹ nhàng hơn, có hướng phát triển và không thể để sai phạm nữa”, người đại diện Báo Pháp luật Việt Nam nói.

Trả lời phỏng vấn trên Báo VietNamNet, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khẳng định: “Vẫn còn không ít tạp chí điện tử có xu hướng “cố ý vượt rào”, chú trọng các nội dung nằm ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép. Các cơ quan quản lý báo chí đã nhận diện và định danh đó là hiện tượng “báo hoá tạp chí”. Việc làm này cần phải được ngăn chặn, loại bỏ”.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, để báo ra báo, tạp chí ra tạp chí, trang tin ra trang tin, cần tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm khắc hơn nữa các các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí, trong đó tập trung vào trường hợp hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí khi để các chuyên trang, ấn phẩm có nhiều vi phạm, sai phạm, có những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm hình sự... Thậm chí có thể chuyển cơ quan điều tra, đình bản, thu hồi giấy phép hoạt động báo chí với các tờ báo, tạp chí vi phạm nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Đức Lợi cũng bày tỏ sự đồng tình với giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra: Muốn quản lý được thì đầu tiên phải giám sát được và cần nhanh chóng xây dựng hệ thống giám sát trực tuyến báo chí.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục thực thi quan điểm nhất quán, tăng cường xử lý các nhà báo vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Lần đầu tiên có tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt kế hoạch xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, và “tư nhân hóa” báo chí; tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội. 

Lần đầu tiên, các tiêu chí nhận diện “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông công khai tại Quyết định số 1418 ngày 22/7/2022. 

Theo đó, về bản chất, “báo hóa” tạp chí điện tử là hiện tượng một số tạp chí điện tử không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích; hình thức trình bày (giao diện), nội dung thông tin thể hiện gây hiểu nhầm thành báo. Trong đó, nhà báo, phóng viên tác nghiệp ngoài phạm vi, lĩnh vực, tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép tạp chí.

Đối với dấu hiệu “báo hoá” tạp chí, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ, về hình thức thể hiện, các tạp chí này cố tình gây hiểu nhầm là báo, thể hiện qua một số hành vi sau: Để logo gây hiểu nhầm (măng séc ấn phẩm, giao diện trang chủ không ghi hoặc ghi “Tạp chí” rất nhỏ, không thể hiện là tạp chí); Các chuyên mục thể hiện như báo (thời sự, chính trị, điều tra theo đơn bạn đọc, phóng sự điều tra…). Bên cạnh đó, chuyên trang không thể hiện trực thuộc tạp chí mà thể hiện độc lập với tạp chí, không ghi thuộc tạp chí, chuyên trang chỉ thể hiện thuộc cơ quan chủ quản.

Về nội dung, những tạp chí này không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, cố tình phản ánh vấn đề, nội dung không thuộc lĩnh vực tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép (ví dụ, tạp chí thuộc lĩnh vực môi trường phản ánh về đấu thầu trong lĩnh vực giáo dục). Họ còn giật tít, câu view (tít mập mờ, đặt câu hỏi nghi vấn, tít không phù hợp với nội dung, (ví dụ, tít bài sử dụng cụm từ “có hay không”, “nghi vấn”…), và thậm chí còn thông tin về vấn đề nội bộ, một chiều theo đơn thư, thông tin chưa kiểm chứng…

Về hoạt động tác nghiệp, các phóng viên, cộng tác viên của các tạp chí cố tình “báo hoá” hay điều tra theo đơn thư bạn đọc (tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học nhưng tác nghiệp điều tra theo đơn thư bạn đọc). Các phóng viên, cộng tác viên được cấp giấy giới thiệu không thuộc phạm vi tôn chỉ mục đích (cấp giấy giới thiệu không ghi cụ thể nơi đến làm việc), đề nghị cung cấp thông tin không thuộc tôn chỉ mục đích, yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép bằng cách liên tục điện thoại, nhắn tin gây phiền hà. Và không ít người trong số họ đi tác nghiệp thành nhóm, không liên hệ trước; một phóng viên liên hệ nhưng khi đến làm việc là cả một nhóm phóng viên thuộc nhiều tạp chí…

Đề cập đến các dấu hiệu “tư nhân hóa báo chí”, Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý hiện trạng nhiều tờ báo đã khoán doanh thu, “phân lô, bán nền” các chuyên trang, chuyên mục cho nhà báo, phóng viên, văn phòng đại diện, đối tác liên kết; khoán quảng cáo cho nhà báo, phóng viên, văn phòng đại diện. Nhiều trường hợp phóng viên lợi dụng hoạt động tác nghiệp để sách nhiễu các cơ quan, doanh nghiệp.

Thậm chí có những tờ báo còn khoán toàn bộ cho đối tác liên kết: Giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động. Máy chủ của trang chủ và máy chủ của chuyên trang đặt ở những nơi khác nhau, không đúng quy định trong giấy phép. Việc này dễ dẫn đến chuyện lộ ra những kẽ hở trong quản lý nội dung khi mà đối tác toàn quyền quyết định nội dung chuyên trang.

Công khai giải pháp, xử lý quyết liệt

Kế hoạch xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí đã được phê duyệt với các giải pháp, nội dung công việc và thời gian thực hiện rất cụ thể.

Một số giải pháp được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra như sau: Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc sử dụng công nghệ đo quét qua hệ thống lưu chiểu điện tử để đánh giá và xử lý. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra xử lý vi phạm, thậm chí tạm dừng cấp phép mới hoạt động báo chí.

Thực hiện rà soát, cấp lại giấy phép, quy định chặt chẽ hơn về tôn chỉ mục đích tạp chí, trong đó không cấp lại giấy phép đối với cơ quan báo chí có nhiều sai phạm, không có chuyển biến sau khi đã được kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh.

Cơ quan chỉ đạo thực hiện rà soát điều kiện tiêu chuẩn đối với lãnh đạo cơ quan báo chí (người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu). Ngoài ra, sẽ kiểm tra sự tồn tại, vai trò của tổ chức Đảng trong cơ quan tạp chí; Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi điều kiện tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo tạp chí; Kiểm tra, kiến nghị cơ quan Đảng có thẩm quyền kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức Đảng cơ quan tạp chí.

Đối với Hội Nhà báo các cấp, cần tăng cường thực hiện việc theo dõi, giám sát kiểm tra và kết luận, xử lý đối với người làm báo vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Đồng thời cũng cần có quy định cụ thể hơn nữa về các hành vi, dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo, của cơ quan báo chí.

Thực tế triển khai, năm 2022, qua rà soát, theo dõi, Bộ Thông tin và Truyền thông bước đầu phát hiện, xác định khoảng 30 cơ quan báo chí có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí. Bộ đã chủ trì, lập tổ công tác hoặc lập đoàn thanh tra, kiểm tra để rà soát, đánh giá, xem xét, chấn chỉnh toàn diện, mọi mặt hoạt động của cơ quan báo chí có dấu hiệu “báo hoá” tạp chí, “tư nhân hoá” báo chí, và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật nếu có. 

Kết thúc giai đoạn 1, đến hết tháng 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc, thanh tra, kiểm tra 16 cơ quan báo chí.  Kết quả, đã ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 616,5 triệu đồng. Thậm chí có 2 tổng biên tập bị phạt với mức 3,5 triệu đồng và 7 triệu đồng.

Điều đặc biệt, các cơ quan báo chí bị xử lý đều nghiêm túc nhìn nhận những sai sót, khuyết điểm, chấp hành quyết định xử phạt; có văn bản cam kết cụ thể về biện pháp, kế hoạch chấn chỉnh hoạt động; nhanh chóng rà soát, kiểm tra nội dung thông tin, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; bảo đảm kiểm soát nội dung thông tin, năng lực sản xuất tin, bài, kinh tế báo chí, an toàn, an ninh thông tin; tuân thủ quy định pháp luật về báo chí. 

Phần lớn các cơ quan chủ quản có cơ quan báo chí bị xử lý cũng nhận thức được thực trạng buông lỏng, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo cơ quan báo chí và cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan báo chí khắc phục các vi phạm, khuyết điểm, thực hiện đúng các quy định.

Từ tháng 10/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của kế hoạch xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí, thanh tra, kiểm tra, đánh giá, xem xét hoạt động đối với khoảng 15 cơ quan báo chí. Bộ cương quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm, thậm chí tước quyền sử dụng giấy phép đối với những cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, không cầu thị, không nhận thức được việc khắc phục sai phạm. 

Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xem xét, kiến nghị xử lý trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí. 

Tuyết Nhung

(Bài đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số Xuân Quý Mão 2023)