Mặc dù triển khai thanh toán không dùng tiền mặt rộng khắp, nhưng những địa phương như Bình Phước chưa thực sự đạt kết quả như kỳ vọng. Mới đây theo Báo Bình Phước,  mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến cuối năm nay là số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn đạt 50%.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Phước, hiện các cơ sở khám, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh và tuyến huyện đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, so với số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú thì số giao dịch không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ rất thấp.

Nguyên nhân vì người dân khám, điều trị bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, số tiền viện phí chi trả thấp nên họ dùng tiền mặt; bệnh nhân đến thăm khám, nhất là từ các tuyến dưới chuyển lên, nhiều người ở vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn chưa quen với việc không sử dụng tiền mặt…

Ảnh minh họa: Hải Đăng.

Trong hội thảo chuyển đổi số, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở y tế do Sở TT&TT tỉnh Bình Phước phối hợp Sở Y tế tỉnh tổ chức, các đại biểu cũng đã thảo luận, làm rõ nguyên nhân tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt thấp. Nguyên nhân có thể là do thói quen dùng tiền mặt của người dân; nhiều người chưa có điện thoại thông minh và tài khoản thẻ ngân hàng; việc kết nối liên thông thanh toán giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa đồng bộ.

Mặt khác, công tác tuyên truyền, hướng dẫn còn hạn chế; chưa được tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện… Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt là nhiệm vụ đòi hỏi quá trình thực hiện liên tục, lâu dài, vì vậy cần tăng cường tuyên truyền đến bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về ý nghĩa và tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt, kết nối Internet, tạo thuận lợi cho người dân thanh toán viện phí trên các thiết bị di động.

Anh Hào