- Làm báo hiện nay thực sự khó, khi mỗi tòa báo phải tìm ra cách đưa thông tin riêng để tờ báo của mình có tiếng nói riêng, quan điểm riêng và cách nhìn riêng về một vấn đề, vừa nhanh nhạy, kịp thời nhưng lại vừa phải đảm bảo tính chính xác, kiểm chứng của thông tin.

{keywords}
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời báo chí nhân ngày 21/6. Ảnh: T.C

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2014, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã chia sẻ nhiều điều với phóng viên về vai trò của Báo chí trong sự nghiệp bảo vệ - phát triển đất nước, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, cũng như những khiếm khuyết, nhược điểm mà báo chí trong nước có thể gặp phải trong bối cảnh bùng nổ thông tin, dẫn tới sự cần thiết phải có một Quy hoạch báo chí quốc gia từ nay đến năm 2020.

- Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, ông có thể đánh giá vai trò của báo chí trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, đặc biệt là trong vấn đề đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước?

- Phải nói rằng trong thời gian gần đây báo chí đã làm tốt chức năng tiếng nói của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của Nhân dân. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế, báo chí đã thông tin nhanh nhạy, đúng đường lối theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đã tham gia và làm tốt vai trò Diễn đàn của Nhân dân, đưa tiếng nói của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước và quan điểm của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân.

Đối với các nhiệm vụ đồng hành cùng Chính phủ, báo chí của chúng ta trong thời gian vừa qua đã thông tin kịp thời đến các tầng lớp nhân dân những nội dung cơ bản của các Nghị quyết của Đảng, các nhiệm vụ mà Chính phủ giao để thực hiện các giải pháp về kinh tế. Không những vậy, báo chí còn thể hiện rõ nét chức năng, vai trò giám sát, phản biện, giúp Đảng, Nhà nước, các cơ quan bộ ngành xây dựng, điều chỉnh, bổ sung nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế, quy định pháp lý; đi tiên phong trong việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh chống lại luận điệu sai trái, thù địch...

Hiện nay báo chí của chúng ta đang phát triển rất mạnh mẽ với 838 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh - truyền hình và 104 kênh truyền hình. Đối với sự nghiệp bảo vệ đất nước, tôi đặc biệt ấn tượng về sự nhập cuộc tích cực của báo chí chúng ta, khi nhiều phóng viên đã mạo hiểm ra tận thực địa để đưa tin.

Đặc biệt vừa qua, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở thềm lục địa - vùng đặc quyền kinh tế của VN, báo chí đã thông tin rất kịp thời đến các tầng lớp nhân dân để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, bảo vệ Đảng, Nhà nước, thành quả của cách mạng cũng như môi trường hòa bình trong khu vực. Báo chí cũng đã phản ánh sự việc tới bạn bè quốc tế, lên án hành động của Trung Quốc và làm rõ tính chính nghĩa của chúng ta trong vấn đề biển đảo và sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước.

- Nhưng có ý kiến cho rằng số lượng cơ quan báo chí của ta hiện nay quá nhiều so với yêu cầu. Nhận xét của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đúng là quá nhiều thật. Riêng báo in đã có 838 cơ quan báo in, hàng trăm trang báo điện tử và mạng xã hội. Chính vì thế mà tới đây, chúng tôi phải tính tới chuyện quy hoạch lại báo chí. Mục đích là để phát triển tốt hơn, thống nhất hơn nội dung của báo chí, vì hiện nay, nhiều tờ báo đưa cùng một nội dung giống nhau, công chúng cho rằng các báo đã xào xáo lại của nhau nên chất lượng báo chưa đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc.

Sự cần thiết của quản lý nhà nước:

- Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, không thể phủ nhận rằng báo chí của chúng ta hiện nay đang nảy sinh nhiều vấn đề, thậm chí là khuyết điểm, sai sót. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trước hết, phải khẳng định nền báo chí chúng ta có ưu điểm rất rõ và đóng góp rất lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Nói cách khác thì ưu điểm vẫn là chủ đạo. Tuy nhiên thời gian gần đây, đúng là báo chí cũng mắc phải không ít khiếm khuyết, sai sót. Có những tờ báo thông tin thiếu trung thực, lại có những tờ báo vì quá nhanh nhạy, muốn đưa thông tin lên đầu tiên nên thiếu kiểm chứng, dẫn đến những sai sót đáng tiếc và phải bị xử lý. Nhiều sản phẩm báo chí còn chạy theo xu hướng giật gân, câu khách, xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng, nhất là trong các ấn phẩm phụ, số chuyên đề, báo điện tử. Thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu nhạy cảm chính trị, vi phạm bản quyền có chiều hướng gia tăng. Những bất cập trong quy hoạch báo chí dẫn đến trùng lắp về nội dung, phân tán, lãng phí về nhân lực, tài chính, nhất là trong lĩnh vực truyền hình.

Một thiếu sót lớn nữa tôi muốn nói đến chính là đạo đức làm báo. Nghề nào cũng cần phải có đạo đức, nghề báo lại càng phải đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu. Nhưng nhiều nhà báo vì lý do này, lý do khác vẫn phạm phải những sai phạm rất đáng tiếc. Những sai phạm đó là gì? Tung tin thất thiệt, đưa tin gây ảnh hưởng, phương hại đến tổ chức, cá nhân.

Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm này theo tôi là do quá trình toàn cầu hóa thông tin, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông trên Internet khiến cho công tác lãnh đạo, quản lý báo chí gặp nhiều khó khăn, đôi khi còn lúng túng.

- Thời gian qua, dư luận nói khá nhiều đến vấn đề hoạt động báo chí trên Internet, cho rằng đây chính là thủ phạm khiến độc giả đánh mất lòng tin vào báo chí. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về hoạt động của các tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử ở VN hiện nay?

- Như chúng ta đã biết, Internet đã trở thành phương tiện truyền thông rất quan trọng, thậm chí là đang từng bước lấn át các phương tiện truyền thống. Trong số Top 10 trang thông tin điện tử thu hút đông lượng người dùng nhất tại VN thì có một nửa là các trang của Việt Nam, một nửa là các trang nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào VN. Trong số các trang của VN thì lại chỉ có 2 trang là của các cơ quan báo chí chính thống, còn lại là truyền thông xã hội.

Hoạt động của các tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử ở VN hiện nay có nhiều ưu điểm như giúp thông tin trên báo chí chính thống được lan tỏa rộng hơn, nhanh hơn, góp phần truyền thông về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, với đặc điểm là thông tin nhanh, nóng nên yếu điểm dễ nhận thấy nhất ở những tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử là sự thiếu kiểm chứng nguồn tin, dẫn nguồn sai quy định hay không dẫn nguồn một cách nguyên vẹn. Đôi khi họ còn cắt xén, xào xáo, đặt lại tít các bài viết từ báo gốc, mở rộng lĩnh vực cung cấp thông tin, mập mờ giữa hoạt động báo điện tử với trang thông tin điện tử tổng hợp khi một số trang thông tin điện tử lại có hành vi tác nghiệp như cơ quan báo chí, tự sản xuất tin bài, cử phóng viên đi dự sự kiện, hội nghị....

Bên cạnh đó, nhiều trang còn chú trọng vào việc tổng hợp tin bài về vụ án, mặt trái, tiêu cực của xã hội, không theo dõi sát sự thay đổi của nguồn tin gốc dẫn đến tình trạng thông tin gốc trên báo chính thống đã gỡ bỏ nhưng trên các trang tổng hợp vẫn đăng tài.

Xử lý mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí với truyền thông xã hội để phát huy lợi thế của các loại hình thông tin, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên theo đúng quy định của pháp luật là vấn đề cần được giải quyết thấu đáo. Do vậy, việc tạo ra hành lang pháp lý là hết sức cần thiết. Thời gian tới, Bộ cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các báo điện tử, các trang thông tin nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm, xử lý kiên quyết, bảo đảm tính răn đe.

Phải nói thêm rằng sau khi hai Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông được ban hành (Nghị định số 159/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản và Nghị định 174/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện - PV), thì các biện pháp xử lý đã được mở rộng và mức phạt đã cao hơn rất nhiều so với trước đây.

{keywords}
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời báo chí nhân ngày 21/6. Ảnh: Việt Thắng

- Hiện nay, dư luận đang rất quan tâm đến Quy hoạch báo chí đến năm 2020. Xin Thứ trưởng chia sẻ một số thông tin đáng chú ý của Quy hoạch này?

- Quy hoạch này vẫn mới đang trong giai đoạn dự thảo chứ chưa được trình duyệt. Nội dung cơ bản nhất là sắp xếp lại các cơ quan báo chí để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan này. Quy hoạch mới sẽ theo hướng một cơ quan báo chí có thể có nhiều ấn phẩm khác nhau, và mỗi tỉnh, thành sẽ có thể có ít nhất 2-3 cơ quan báo chí ( gồm 1 tờ báo Đảng, 1 đài phát thanh - truyền hình và 1 tờ báo văn hóa - văn nghệ). Mục đích của việc sắp xếp này là để tránh chồng chéo, nâng cao chất lượng báo chí.

Làm báo dễ hay khó?

- Nhưng có một thực tế là đôi khi độc giả rất muốn nghe thông tin ngược chiều, đa chiều từ các trang mạng xã hội, trang tin tổng hợp. Theo Thứ trưởng, người làm báo chính thống cần phải làm thế nào mới khẳng định được vai trò, vị thế của mình?

- Có một vấn đề đặt ra là nhu cầu của người tìm kiếm thông tin khiến họ có thể đi tìm ở bất kỳ đâu, không riêng gì các kênh báo chí. Thị hiếu của họ là muốn nghe những dư luận khác, thậm chí là tin đồn thất thiệt họ cũng rất quan tâm. Chính vì thế, báo chí truyền thống phải định hướng thông tin cho chuẩn xác nhất, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay. Khi có một vấn đề đặt ra, được dư luận quan tâm, chúng ta phải kịp thời hướng đến và đó mới là trách nhiệm của người làm báo, đòi hỏi bản lĩnh của người làm báo để vừa đưa tin nhanh nhạy, lại vừa chính xác tới bạn đọc.

- Câu hỏi đặt ra trong phóng sự phát trong lễ trao giải Báo chí Quốc gia VN năm nay là "Làm báo hiện nay dễ hay khó?". Thứ trưởng sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào?

- Nếu là tôi thì tôi sẽ khẳng định: Làm báo hiện nay thực sự khó, không dễ dàng chút nào. Chúng ta lại quay lại câu chuyện thông tin đã nói đến ở trên. Chính vì thông tin nhanh, nhiều như vậy nên để tờ báo này khác với tờ báo khác, mỗi tòa báo phải tìm ra cách đưa thông tin của riêng mình, chọn góc nhìn của riêng mình để tờ báo của mình có tiếng nói riêng, quan điểm riêng và cách nhìn riêng về vấn đề đó.

- Nhắn gửi tới những người làm báo trong cả nước trong dịp 21/6, Thứ trưởng sẽ nói gì?

- Như tôi đã nói ở trên, đối với người làm báo thì yêu cầu cao nhất chính là đạo đức làm báo. Làm thế nào để chúng ta phản ánh trung thực mọi thông tin, nhưng không phải thông tin nào cũng có thể đặt lên mặt báo. Làm thế nào để người làm báo phải có những bài viết sắc nét, thể hiện tính chiến đấu, tiên phong và đạo đức của mình để xã hội phát triển tốt lên. Tôi mong muốn tất cả các nhà báo đều hướng tới mục tiêu chung, vì một xã hội tốt đẹp hơn.

Trong bối cảnh hiện nay khi thông tin đang bùng nổ, mạng xã hội phát triển rất mạnh. Đôi khi người ta lo ngại báo chí truyền thống đang mất đi tính độc quyền khi công chúng có thể tiếp cận thông tin từ nhiều kênh khác nhau. Vậy những người làm báo chính thống đang gặp phải những thách thức như thế nào trong bối cảnh này?

Đây là một câu hỏi hết sức thú vị vì như chúng ta có thể thấy rõ, thông tin hiện nay là rất nhiều chiều. Công chúng không chỉ tìm kiếm thông tin qua báo chí mà còn qua các trang mạng xã hội. Chính vì vậy, thách thức của báo chí hiện nay là phải nhanh, nhạy, chính xác và kịp thời. Đó là yêu cầu rất lớn đối với người làm báo.

Trước hết, muốn nhanh nhạy thì người làm báo phải vào cuộc thực sự, phải hòa nhập vào cuộc sống, xã hội để phát hiện ra những vấn đề mà bạn đọc có nhu cầu thông tin, quan tâm. Thứ hai là phải đưa tin chính xác, khách quan. Đặc điểm của báo chí cách mạng là tính chính xác đến đâu. Không phải mọi thông tin đến với chúng ta đều chính xác, vì mỗi người có thể có cách nhìn khác nhau. Nhưng người làm báo thì phải đưa tin chính xác. Cái cần nhất là kiểm chứng thông tin. Chính sự chính xác sẽ giúp đưa uy tín của cơ quan báo chí lên cao, chứ chúng ta không cần sợ rằng trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin hiện nay, báo chí, nhất là báo giấy bị hạn chế bởi thông tin trên mạng. Nếu thông tin ở các trang mạng không chính xác thì chính báo chí chính thống phải đưa lại.

Cuối cùng, nhân ngày Báo chí Cách mạng 21/6, chúng tôi xin được gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới những người làm báo trên cả nước, nhất là những nhà báo lão thành. Xin chúc các nhà báo luôn bút sắc, lòng trong, có tâm, có tầm, có tài, xứng đáng là người lính xung kích trên mặt trận thông tin - tư tưởng.

Xin cám ơn ông

Trọng Cầm (ghi)