Lễ công bố và trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” năm 2022 được Hiệp hội An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam (VNISA) tổ chức chiều ngày 9/12.

Đây là lần thứ 7 chương trình được tổ chức nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ và doanh nghiệp ATTT Việt Nam xuất sắc; góp phần hỗ trợ hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp.

Chương trình cũng là hoạt động hưởng ứng Chương trình chuyển đổi số quốc gia, chiến lược Make in Vietnam và Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ TT&TT cam kết sẽ luôn quan tâm, kiến tạo thị trường – tạo cầu cho các doanh nghiệp.

Phát biểu tại lễ trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” năm 2022, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định, qua 7 lần được tổ chức, chương trình đã tiếp tục chọn được các doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc, góp phần vào phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ ATTT của Việt Nam ngày một lớn mạnh hơn, làm chủ được nhiều dòng sản phẩm hơn.

“Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận với nhau rằng, đây mới là những bước đi ban đầu. Chặng đường dài hơn, con đường làm chủ công nghệ, làm chủ sản phẩm, làm chủ thị trường ở phía trước của doanh nghiệp Việt Nam còn rất dài và nhiều khó khăn, thách thức”, Thứ trưởng lưu ý.

Chiến lược an toàn, an ninh mạng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu đến năm 2025, 80% người sử dụng Internet có cơ hội tiếp cận hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

“Bộ TT&TT mong muốn rằng, các doanh nghiệp sẽ góp phần vào thực hiện mục tiêu này”, Thứ trưởng đề nghị.

Thứ trưởng cũng khẳng định, Bộ TT&TT cam kết sẽ luôn quan tâm, kiến tạo thị trường, tạo cầu. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho tất cả doanh nghiệp ATTT mạng thông qua chính sách thúc đẩy, hỗ trợ, các quy định bảo đảm ATTT, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm, các thông tin thống kê giúp cho doanh nghiệp có thể tiếp cận và hoạch định chiến lược phát triển thị trường của mình.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trao chứng nhận "Chìa khóa vàng" hạng mục "Sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao xuất sắc" cho các doanh nghiệp.

Tại sự kiện, Ban tổ chức đã trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” cho 26 sản phẩm, dịch vụ ATTT tiêu biểu của 13 doanh nghiệp ATTT Việt Nam theo 4 hạng mục, cụ thể:  3 sản phẩm ATTT chất lượng cao xuất sắc; 6 sản phẩm ATTT triển vọng xuất sắc; 4 giải pháp CNTT an toàn tiêu biểu cho chuyển đổi số và 13 dịch vụ ATTT tiêu biểu.

Sản phẩm SafeGate Family mang về cho Công ty SCS danh hiệu "Chìa khóa vàng" năm 2022 ở hạng mục "Sản phẩm an toàn thông tin triển vọng xuất sắc".
Các doanh nghiệp đạt danh hiệu "Chìa khóa vàng" năm 2022 ở hạng mục "Giải pháp CNTT an toàn tiêu biểu cho chuyển đổi số".

Bên cạnh đó, có 12 lượt doanh nghiệp Việt được trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” ở 4 hạng mục, gồm:  5 doanh nghiệp hạng mục “Top doanh nghiệp Việt Nam về kiểm tra và đánh giá ATTT mạng”; 4 doanh nghiệp hạng mục “Top doanh nghiệp Việt Nam về giám sát và ứng cứu sự cố ATTT mạng”; 2 doanh nghiệp hạng mục “Top doanh nghiệp Việt Nam về mật mã, xác thực và chữ ký số”; 1 doanh nghiệp hạng mục “Top doanh nghiệp Việt Nam về chống mã độc và chống tấn công mạng”.

Đại diện Ban tổ chức cho biết, kết quả “Chìa khóa vàng” năm nay cho thấy trưởng thành và đa dạng của các sản phẩm và dịch vụ ATTT của các doanh nghiệp trong nước, với mức độ nội địa hóa và tự phát triển giải pháp khoa học kỹ thuật cao, hoàn toàn làm chủ công nghệ trong nhiều lĩnh vực.

Chương trình cũng cho thấy sự lớn mạnh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực ATTT, tiêu biểu như VNPT đạt “Chìa khóa vàng” cho 8 sản phẩm, dịch vụ và 2 lượt Top doanh nghiệp; Viettel có 3 sản phẩm, dịch vụ và 3 lượt Top doanh nghiệp. FPT, Bkav, CMC, HPT và SAVIS mỗi doanh nghiệp đều đạt 3 danh hiệu.

Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng và Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin trao danh hiệu cho các doanh nghiệp ở hạng mục "Dịch vụ an toàn thông tin xuất sắc".

Qua chương trình “Chìa khóa vàng” năm 2022, Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng cho biết, Hiệp hội có một số khuyến nghị với doanh nghiệp, đó là các sản phẩm, dịch vụ ATTT đã khẳng định trên thị trường, nên có hướng tiếp tục phát triển tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế nhằm từng bước phát triển, vươn ra thị trường quốc tế.

“Bên cạnh đó, theo quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể của chuyển đổi số, các doanh nghiệp an toàn thông tin nên đẩy mạnh đầu tư phát triển các dịch vụ ATTT cơ bản, chi phí hợp lý, phù hợp số đông người dùng tại Việt Nam. Các giải pháp đảm bảo ATTT cũng cần gắn với việc triển khai các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số được thuận lợi, an toàn”, ông Nguyễn Thành Hưng khuyến nghị.