{keywords}
Thời gian tới, lực lượng công an sẽ triển khai cấp thẻ căn cước công dân mới có gắn chip điện tử, thay cho mẫu thẻ căn cước có mã vạch hiện nay. (Ảnh minh họa)

Thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ thay cho thẻ căn cước có mã vạch

Như ICTnews đã đưa tin, ngày 3/9, chủ trương đầu tư dự án “Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Được thực hiện từ năm 2020 đến 2022 với tổng mức đầu tư 2.696 tỷ đồng, dự án này nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc, thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký căn cước công dân tự động trên cơ sở hạ tầng CNTT giúp lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất.

Dự án hướng tới việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự; xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đồng thời góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tiếp đó, tại hội nghị trực tuyến được tổ chức ngày 9/9 để triển khai dự án “Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân” và sơ kết 6 tháng thực hiện dự án “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, Bộ Công an đã cho biết, 2 dự án này sẽ được triển khai song song, đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn Chính phủ và Quốc hội yêu cầu.

Theo kế hoạch, Bộ Công an sẽ báo cáo kết quả với Chính phủ, bấm nút khởi động 2 hệ thống và vận hành thử nghiệm vào tháng 2/2021 và đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 7/2021.

Đặc biệt, theo Bộ Công an, điểm nổi bật của dự án “Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân” là sẽ thay đổi cách thức thu thập vân tay. Dự kiến ngày 1/11/2020, Bộ này sẽ tổ chức đồng bộ lấy vân tay theo phương thức mới trên toàn quốc. Bộ Công an cũng đặt mục tiêu hoàn thành việc cấp khoảng 50 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử trước ngày 1/7/2021.

Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử để nâng cao tính bảo mật 

Việc Bộ Công an cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử thay cho thẻ căn cước có mã vạch trên thực tế đã đặt ra những băn khoăn với nhiều người dân về tính bảo mật của mẫu thẻ căn cước công dân mới cũng như thẻ gắn chip điện tử liệu có kiểm soát hoạt động của cá nhân hay không?

Ngày 14/9, trên trang bocongan.gov.vn, Bộ Công an đã giải đáp thắc mắc kể trên của người dân. Cụ thể, Bộ Công an nhấn mạnh, việc sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử sẽ thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới nền Chính phủ số, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay.

Đối với lo ngại việc bị kiểm soát hoạt động cá nhân khi sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, Bộ Công an khẳng định, chip được gắn trên thẻ căn cước công dân là nhằm lưu trữ các thông tin của công dân trên thẻ với mục tiêu tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số. 

Chip gắn trên thẻ căn cước công dân không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Thông tin cụ thể hơn về tính bảo mật của thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử, trong nội dung giải đáp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, cơ quan này nêu rõ, chip sử dụng trên thẻ căn cước công dân tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chip có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch.

Chip có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học như dấu vân tay, cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.

“Khi đề xuất sử dụng căn cước công dân có gắn chip điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chip. Phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, đảm bảo bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội”, Bộ Công an thông tin. 

Theo Luật Căn cước công dân năm 2014, căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Luật cũng quy định rõ, một trong những quyền của công dân là được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân (trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định).

 M.T

Cấp khoảng 50 triệu căn cước công dân gắn chip trước 1/7/2021

Cấp khoảng 50 triệu căn cước công dân gắn chip trước 1/7/2021

Đại diện lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương xác định việc cấp khoảng 50 triệu thẻ căn cước công dân (thẻ căn cước có gắn chip - PV) là một “chiến dịch” trên toàn quốc và phải hoàn thành trước ngày 1/7/2021.