Trước mắt hệ thống cảnh báo của nhóm “Chip 4” sẽ được thiết lập nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn cho xe hơi và có thể mở rộng sang các loại vật liệu thô dùng trong sản xuất chip và thiết bị chế tạo.

“Chúng ta đang nói về khoảng 100 loại vật liệu cần thiết có nguồn gốc khác nhau cho lĩnh vực bán dẫn”, Sean Su, chuyên gia phân tích công nghệ độc lập cho hay. “Điều này không hề dễ dàng như đi dạo trong công viên. Công việc có độ phức tạp cực cao và mang tính toàn cầu”.

“Chip 4” là sáng kiến của Mỹ đưa ra vào tháng 9 năm ngoái, với mục tiêu củng cố chuỗi cung ứng bán dẫn quốc tế và ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các sản phẩm tiên tiến.

Động thái mới xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng sâu sắc. Hai bên đã vướng vào cuộc chiến công nghệ kể từ năm 2018, khi đều tìm cách làm chủ lĩnh vực bán dẫn cũng như các loại công nghệ cần thiết để vận hành nền kinh tế hiện đại.

Cũng trong đầu tháng này, liên minh “Chip 4” đã có cuộc họp cấp cao trực tuyến đầu tiên để thảo luận cách thức nâng cao khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

James Chin, giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Tasmania (Úc), cho biết hệ thống cảnh báo sớm này dự kiến không tác động nhiều đến Bắc Kinh, do “người Trung Quốc rất tin tưởng vào hệ sinh thái của họ”.

Tuy nhiên, việc nhiều thành phố lớn của Đại lục bị phong toả vào năm ngoái đã cho thấy lỗ hổng bắt đầu xuất hiện khi sản xuất chip bị đình trệ, gồm cả việc giao đơn đặt hàng của các công ty nước ngoài.

Trong thời gian đầu của đại dịch, khi người tiêu dùng đua nhau mua sắm PC và điện thoại để làm việc từ xa và học tập tại nhà, đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt bán dẫn toàn cầu gồm vi mạch và bảng mạch tích hợp.

Đối với lĩnh vực xe hơi, nhu cầu về vi xử lý cũng tăng vọt khi phương tiện di chuyển đạt được những tiến bộ công nghệ mới khiến tình trạng thiếu hụt càng thêm trầm trọng, đến mức một số nhà sản xuất phải dừng dây chuyền lắp ráp.

Trong cuộc họp cấp cao trực tuyến đầu tiên tuần trước, Washington đã đưa ra đề xuất thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và nhận được phản hồi “tích cực” từ 3 bên còn lại.

Zennon Kapron, giám đốc công ty nghiên cứu tài chính Kapronasia (Singapore) nói rằng, đó sẽ là hệ thống đầu tiên cho công nghệ toàn cầu. “Trước đây, ngành công nghiệp này chưa bao giờ thực sự đạt đến điểm giao thoa giữa nhu cầu công nghệ phần cứng và yếu tố địa chính trị, bởi vậy còn rất nhiều dư địa để khám phá”.

Thế Vinh (Theo SCMP)