Tại phiên chất vấn về nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực TT&TT vào sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, đa số các vấn đề mà ĐBQH quan tâm đều liên quan đến công cuộc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các ĐBQH vào sáng 4/11. (Ảnh Quốc hội cung cấp)

Theo Bộ trưởng, phần lớn cuộc sống và hầu hết các vấn đề của con người đã chuyển sang môi trường số. Đảng, Nhà nước cũng xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới, giúp đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng thể chế số, quản lý số, văn hóa số, nhân lực số, công dân số, thực thi số và ngân sách số vẫn đang theo sau.

“Nếu chúng ta không nhanh chóng thu hẹp khoảng cách trên thì đất nước không chỉ là không tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số mà còn đối diện với các nguy cơ to lớn của sự chuyển đổi này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đại biểu Lý Văn Huấn, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh Quốc hội cung cấp)

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lý Văn Huấn, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên về giải pháp phát triển các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, phát triển các nền tảng số đã được xác định là giải pháp đột phá để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam.

Lưu ý nền tảng số ở đây là các nền tảng số Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực. Nếu như chúng ta không làm chủ các nền tảng số, người dân Việt Nam sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên các nền tảng số nước ngoài, dữ liệu bị thu thập. Dữ liệu số là tài nguyên, vì thế Bộ TT&TT đặt trọng tâm phát triển các nền tảng số.

Năm 2022, chúng ta công bố ở mức quốc gia 52 nền tảng số dùng chung cần đưa vào hoạt động, đến nay cơ bản đã xong. Đặc biệt, trong năm 2022, có tới 500 triệu lượt người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam, chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt Nam và con số này đang tăng lên.

Chia sẻ về giải pháp được tiếp tục tập trung thời gian tới, người đứng đầu ngành TT&TT nêu quan điểm: Có việc thì sẽ có người, có việc khó thì sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại thì sẽ có người vĩ đại. Người ở đây được hiểu là cả người và doanh nghiệp.

Với suy nghĩ đó, Bộ TT&TT đã chọn cách công bố các bài toán chuyển đổi số quốc gia, cả mức trung ương và mức các địa phương. Bộ TT&TT đã có một trang web để công bố các bài toán cần lời giải, bài toán chuyển đổi số Việt Nam và cũng có một trang web chuyên về những giải pháp số để giải quyết các bài toán số Việt Nam.

Đại biểu Đinh Công Sỹ, đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La. (Ảnh Quốc hội cung cấp)

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Đinh Công Sỹ, đoàn ĐBQH Sơn La về khả năng của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong việc phát triển nền tảng số phục vụ ngành giáo dục, Bộ trưởng khẳng định, doanh nghiệp Việt không những đáp ứng được mà còn đáp ứng tốt với giá phù hợp, rẻ hơn của nước ngoài.

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng tốt việc phát triển nền tảng số cho ngành giáo dục và những ngành, lĩnh vực khác.

Bộ trưởng cũng cho biết, chúng ta có các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi làm chuyển đổi số cho những nước như Nhật, Mỹ thì không lý gì không làm được cho Việt Nam. Vấn đề là ngành giáo dục và các bộ, ngành, địa phương hãy đặt ra nhiều bài toán hơn nữa. Các bài toán càng thách thức, càng khó bao nhiêu thì đó chính là cách để cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển. 

Cách đây 4 năm, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam dưới 40.000 và giờ đã tiến đến con số 75.000. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2025 Việt Nam sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số.

Nhấn mạnh các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mong muốn có thêm nhiều việc, nhiều bài toán, Bộ trưởng kêu gọi: “Các đại biểu Quốc hội, các cử tri, các doanh nghiệp hãy tin vào doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trao cho họ nhiều cơ hội hơn và đó là một trong những cách tự lực, tự cường Việt Nam”.

Vân Anh