Hiện nhu cầu sử dụng camera tại Việt Nam tăng rất nhanh. Nếu so với tỷ lệ sử dụng camera trên đầu người trên thế giới, tỷ lệ này ở Việt Nam vẫn ở mức thấp. Vì vậy, thị trường camera tại Việt Nam vẫn tiềm năng cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên, việc sản xuất camera cũng đặt ra nhiều thách thức như làm sao để cạnh tranh với các sản phẩm camera đến từ Trung Quốc, các quy định, tiêu chuẩn cho camera sản xuất, lưu hành tại thị trường Việt Nam...

Tại buổi tọa đàm “Tiêu chuẩn nào cho camera Make in Vietnam?” do báo VietNamNet tổ chức mới đây, các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề như làm sao để cạnh tranh với sản phẩm camera đến từ Trung Quốc, các quy định, tiêu chuẩn cho camera sản xuất, lưu hành tại thị trường Việt Nam...

Ông Khương Duy,  Giám đốc Trung tâm Camera, Viettel High Tech cho biết, các camera đang dịch chuyển qua xu thế tương tác trực tiếp với người dùng thông qua ứng dụng di động, thông tin được đẩy lưu trữ trên cloud. Việc thông tin đi vòng qua cloud của các hãng đặt ở nước ngoài hoàn toàn là một rủi ro về an toàn thông tin. Việc truyền và lưu trữ thông tin cá nhân qua một bước trung gian khi không có các cơ chế bảo mật sẽ gây rủi ro khi người dùng không biết server bị tấn công, khai thác hay kiểm soát như thế nào.  Thông tin cá nhân, các hành vi riêng tư có thể bị công khai khi kênh truyền bị chặn hoặc server bị tấn công. Ngoài ra, không loại trừ các thông tin cá nhân sẽ bị khai thác mà không có sự xin phép. 

Các camera hiện nay đều có mic như tai nghe, cảm biến ảnh như mắt nhìn, có thể chủ động quay 360 độ. Việc duy trì kết nối server ở nước ngoài chỉ cần một thay đổi nhỏ về phần mềm thì toàn bộ số cam trên trở thành một hệ thống tai mắt quan sát do thám khổng lồ. Nguy cơ an toàn an ninh là hiện hữu.

Ông Khương Duy,  Giám đốc Trung tâm Camera, Viettel High Tech cho biết, doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm tự nghiên cứu và làm chủ hoàn toàn về thiết kế.

Viettel High Tech tập trung tăng cường yếu tố bảo mật: bảo mật đầu cuối (hộ gia đình): dữ liệu do người dùng cuối quyết định. Chúng tôi cung cấp các sản phẩm do chính chúng tôi nghiên cứu và làm chủ hoàn toàn về thiết kế; hệ thống lưu trữ và xử lý được đặt tại Việt Nam; đáp ứng các tiêu chuẩn về ATTT do Bộ TT&TT ban hành đối với các thiết bị như camera và IoT nói chung. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cung cấp các tính năng bảo mật nâng cao như tính năng E2EE đảm bảo dữ liệu chỉ có người dùng cuối xem được.

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty Lumi Việt Nam, một sản phẩm muốn bán được thì cần phải mang lại các giá trị cho người dùng. Rõ ràng là, nếu chỉ về giá, các sản phẩm camera của doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện chưa thật sự cạnh tranh được với camera Trung Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam có thêm những tính năng đặc thù để khách hàng có thể lựa chọn. Ví dụ như, Bkav có thêm tính năng AI, hay như Lumi không chỉ là 1 bán một sản phẩm cho khách hàng mà cung cấp cho họ cả một giải pháp tổng thể, hoàn chỉnh trong đó có tích hợp camera.

 Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty Lumi Việt Nam

Có nhiều cách để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, chứ không chỉ là tìm cách để tối ưu giá thành sản phẩm. Ngoài ra, cần chú trọng truyền thông để người dùng hiểu rằng khi lựa chọn camera một cách thông minh, cần chọn sản phẩm đáp ứng nhiều yêu cầu, đặc biệt là các yêu cầu về an toàn, bảo mật thông tin. Kết hợp truyền thông, sự nhận biết của khách hàng, các nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm, giải pháp của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với những đơn vị cung cấp camera nước ngoài. Bên cạnh việc cần có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất camera Vietnam cũng cần hợp tác với nhau để tạo ra nhiều giá trị, mang lại lợi ích nhiều hơn cho người dùng.

Ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc bộ phận sản phẩm Bkav AI View chia sẻ, do camera có thể nhìn được nên dữ liệu cá nhân vô cùng quan trọng.

Ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc bộ phận sản phẩm Bkav AI View chia sẻ, do camera có thể nhìn được, dữ liệu cá nhân vô cùng quan trọng, nếu bị lộ lọt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dữ liệu riêng tư cá nhân. Bkav đặt ra mục tiêu dễ dùng nhưng phải an toàn. Xuất phát từ một công ty an ninh mạng, Bkav kết hợp giữa trung tâm an ninh mạng Bkav và trung tâm nghiên cứu phát triển AI camera, đưa nhiều thuật toán bảo mật lên camera, cập nhật các bản vá bảo mật hàng tháng, có sự cam kết trong hợp đồng với tổ chức, người tiêu dùng. Ví dụ, Bkav đưa vào phần mềm yêu cầu khách hàng phải thay đổi mật khẩu theo khuyến nghị theo phương pháp của Bkav để bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng. Công ty cũng triển khai các chính sách để đảm bảo tính an toàn. Chẳng hạn, khi triển khai phải đảm bảo dữ liệu người dùng là tối quan trọng. 

Ở Việt Nam có nhiều tổ chức chứng thực về tính bảo mật cho camera, ví dụ Trung tâm  Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC. Bkav AI là đơn vị đầu tiên xác thực camera tại trung tâm. Đây cũng là những tiêu chí tạo niềm tin cho người tiêu dùng sử dụng camera Make in Vietnam.