Chính quyền số vì mục tiêu nâng chất lượng cuộc sống người dân

Trong 25 năm qua, từ một tỉnh nông nghiệp với hệ thống đô thị nhỏ bé, Bắc Ninh đã vươn lên thành đô thị lớn mạnh và giàu tiềm năng. Đồng thời, cuộc sống của người dân cũng thay đổi tích cực kể từ khi tỉnh thành lập các trung tâm hành chính công, ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất và số hóa thủ tục hành chính.

Chị Nguyễn Thị Thu (phường Đình Bảng, TP. Từ Sơn) chia sẻ: "Kể từ khi Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh đi vào vận hành, chúng tôi đã tiết kiệm được thời gian khi làm thủ tục hành chính (TTHC). Trong lần làm giấy khai sinh cho con, tôi được hướng dẫn tận tình các công đoạn tại khu vực tiếp nhận thủ tục. Bên cạnh đó, tôi còn được cấp giấy hẹn trả kết quả có ghi thời gian cụ thể. Những hoạt động này diễn ra vừa khoa học vừa ưu việt, tôi không cần phải đi lại nhiều lần, việc làm giấy khai sinh cũng đơn giản hơn”.

Phiếu trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Minh (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) lại cảm thấy phấn khởi khi tỉnh đã triển khai Phần mềm phản ánh - kiến nghị trên thiết bị di động. Ứng dụng này đã giúp ích nhiều cho anh và gia đình trong quá trình giải quyết các vấn đề bất cập.

Anh Minh cho biết: “Gia đình tôi mua được một mảnh đất gần nhà. Trong quá trình mua bán, vì một vài nguyên nhân nên tôi chưa nhận được sổ đỏ. Được biết tỉnh đã có Phần mềm phản ánh - kiến nghị, tôi đã tải ứng dụng này về điện thoại để trình bày vấn đề của mình. Thắc mắc của tôi đã được giải quyết nhanh chóng và báo kết quả ngay trên ứng dụng này; vấn đề liên quan đến việc cấp sổ tại mảnh đất mới mua cũng được cán bộ hỗ trợ nhiệt tình. Trong khi trước đây, nếu muốn hỏi những vấn đề này, gia đình tôi thường phải gặp trực tiếp chính quyền để trực tiếp trao đổi thông tin”.

Xây dựng chính quyền điện tử: Những thành tựu bước đầu 

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo đề án 30 của Chính phủ, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập các trung tâm hành chính công (HCC) cấp tỉnh và cấp huyện. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng phần mềm Một cửa điện tử tích hợp với Cổng dịch vụ công trực tuyến để tiếp nhận và trả kết quả các TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo tỉnh, Bắc Ninh đã triển khai Trung tâm HCC tại 8/8 huyện thị xã, thành phố, đồng thời đổi mới hoạt động bộ phận một cửa tại 126/126 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh một cách đồng bộ.

Từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm đã giải quyết mọi vấn đề của tổ chức, doanh nghiệp, công dân kịp thời, đúng quy định pháp luật, từng bước làm thay đổi, nâng cao trách nhiệm để từ đó tạo niềm tin và sự hài lòng của tổ chức, công dân. 

Theo báo cáo của Trung tâm, đơn vị đã kiểm soát tất cả TTHC của cả 3 cấp một cách chặt chẽ, đúng quy định chỉ trong 3 năm vận hành. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng Dự án số hóa giấy tờ, thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tỉnh. 

Các trung tâm hành chính công bước đầu đạt được niềm tin và sự hài lòng của tổ chức, công dân

Để cải thiện chất lượng phục vụ, Trung tâm thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình tiếp nhận và giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành; theo dõi hồ sơ sắp hết hạn, hồ sơ yêu cầu bổ sung và hồ sơ trả về đảm bảo các đơn vị thực hiện đúng quy định.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm đã gửi được 20.348 tin nhắn đến doanh nghiệp và người dân, công khai hơn 4.000 hồ sơ sắp đến hạn của từng đơn vị liên quan để giải quyết đúng hạn. Đồng thời, Trung tâm cũng xử lý và gửi trả hơn 1.600 hồ sơ TTHC của người dân, doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính công ích.

Từ tháng 3/2022, các trang Zalo và Fanpage của Trung tâm HCC cũng đã đi vào hoạt động. Đến nay, các trang mạng xã hội của đơn vị có gần 200 tin, bài, ảnh và clip được đăng tải, nhờ đó người dân, doanh nghiệp có thể cập nhật, nắm bắt thông tin liên quan để việc giải quyết hồ sơ TTHC được thuận tiện.

Việc triển khai Trung tâm HCC còn góp phần cắt giảm các TTHC không cần thiết. Từ khi giảm thời gian giải quyết thủ tục, mỗi năm tỉnh Bắc Ninh đã tiết kiệm được trên 800.000 ngày công lao động, tương đương trên 60 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT trong thực hiện thu phí điện tử cũng góp phần giảm chi phí in ấn và quản lý biên lai khi toàn tỉnh tiết kiệm được 60.000 cuốn biên lai chỉ trong 3 năm triển khai.

Song song với xây dựng chính quyền điện tử, Đề án mô hình Thành phố thông minh được tỉnh Bắc Ninh triển khai từ năm 2017. Đến nay, tỉnh đã thực hiện các dự án hợp phần chính của đề án, trong đó trung tâm dữ liệu thành phố thông minh được đánh giá như “bộ não số” của Bắc Ninh, tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm được đầu tư để tạo ra cái nhìn toàn cảnh về địa phương trên mọi lĩnh vực. 

Việc triển khai chính quyền số đã góp phần nâng cao chỉ số xếp hạng năng lực quản trị, điều hành cấp tỉnh. Theo kết quả đánh giá mức độ CĐS cấp Bộ, cấp tỉnh năm 2021 (chỉ số DTI), tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 4 cả nước về thể chế số; xếp thứ 5 về an toàn thông tin mạng; xếp thứ 9 về hoạt động chính quyền số.

Vươn tầm đô thị thông minh 

Với việc nộp hồ sơ tại chỗ, giải quyết tại chỗ, kí phê duyệt và trả kết quả tại chỗ, Trung tâm HCC được đánh giá là bước đi mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trong cải cách TTHC. 

Song song với đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045. Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng Bắc Ninh trở thành đô thị loại I trực thuộc trung ương, làm tiền đề để xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030. 

Đồng thời, chính quyền tiếp tục điều chỉnh, bổ sung tính chất quy hoạch để đưa Bắc Ninh trở thành một trọng tâm kinh tế thuộc vùng thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trung tâm phát triển công nghệ cao; giáo dục, đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe; thương mại, du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử và kinh tế tri thức.

Lãnh đạo tỉnh cho biết, để đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm thương mại dịch vụ, là đô thị thông minh, Bắc Ninh xác định các khâu đột phá trong chỉ đạo nhiệm vụ là: đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người đứng đầu các cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, ưu tiên hạ tầng giao thông, thương mại dịch vụ chất lượng cao, nâng cao chất lượng đô thị gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Từ định hướng phát triển đúng đắn và những bước đi vững vàng trong chuyển đổi số, Bắc Ninh đứng trước cơ hội trở thành đô thị thông minh, đô thị lớn trong vùng thủ đô và cả nước.

An Nhiên